Thêm phí bảo vệ môi trường?
Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 08/2022 của Chính phủ, trong đó có việc sản xuất gang thép, luyện kim, phân bón vô cơ, lọc hóa dầu, nhiệt điện, xi măng...
Theo Bộ Tài chính, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) không khí. Vì thế, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí BVMT đối với khí thải là cần thiết.
Theo dự thảo, mức phí cố định đối với các cơ sở xả khí thải: 3.000.000 đồng/năm. Đối với phí biến đổi đối với 4 chất gây ô nhiễm môi trường (được quy định cụ thể) là từ 500-800 đồng/tấn. Đây là khoản thu mới cùng với các khoản phí BVMT khác đã thực hiện, ước tính đem về cho ngân sách nhà nước khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Ô nhiễm môi trường là vấn nạn ngày một trầm trọng. Cơ quan chức năng hàng ngày thông báo và cảnh báo độ bụi mịn trong không khí khiến nhiều người giật mình. Gần đây nhất, ngày 12/8, nhiều khu vực nội thành Hà Nội cho dù đã gần giữa trưa nhưng không gian vẫn mù mịt như có khói che phủ. Về đêm, đi từ nội thành ra ngoại thành, điện đường cũng bị đổi màu từ ánh sáng trắng sang đỏ đục.
Có thời điểm mù mịt quá, cơ quan chức năng đã giải thích là do tình trạng đốt rơm ở ngoại thành, khói bụi theo gió bay vào nội thành; và cả việc người dân sử dụng bếp than. Nhưng lý do đó là không đủ. Chưa có một tính toán chi tiết, nhưng có thể thấy việc ô nhiễm không khí phần lớn đến từ các loại xe cơ giới, xây dựng cũng như hoạt động của các nhà máy.
Được biết, hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành; gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.
Việc thu phí BVMT đối với “các tác nhân gây họa” là cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng đã có nhiều loại thuế, phí BVMT, như phí vệ sinh môi trường (thu gom và xử lý rác thải tại đô thị); thuế BVMT thông qua mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn hay khi sử dụng than đá, túi nilon… Xin nêu một ví dụ về thuế BVMT: đối với xăng hiện từ 600 - 2.000 đồng thuế BVMT/lít xăng dầu tùy loại. Từ đầu năm 2024, thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần, 2.000 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu (trừ dầu hỏa) và 3.000 đồng/lít nhiên liệu bay, 4.000 đồng/lít xăng (trừ xăng ethanol).
Vậy nếu như lại tiếp tục thu phí khí thải với nhà máy lọc dầu, cũng với mục đích BVMT, liệu có phải là “phí chồng thuế” khi mà thu cả thuế lẫn phí cho cùng một loại nguồn ô nhiễm?.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia kinh tế, các cơ quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ giảm thêm các loại thuế, phí để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân thì việc thu thêm bất cứ loại phí nào cũng cần cân nhắc thấu đáo. Đặc biệt, cần minh bạch các loại phí sau thu được đầu tư lại thế nào, hiệu quả đến đâu. Mà trong trường hợp này là thuế, phí BVMT.
Và tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là hiệu quả tới đâu.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ), từ trước đến nay người dân hầu như chưa thấy rõ hiệu quả từ sắc thuế, phí BVMT mà họ phải đóng như thế nào. Vì vậy cần phải có thông tin rõ ràng hơn, đánh giá cụ thể về tác động của khoản thu liên quan BVMT trước khi trình thêm khoản thu mới.
Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng mọi nguồn thu từ thuế, phí BVMT phải được nêu chi tiết cụ thể hàng năm để người dân được biết. Trước khi áp dụng khoản thu mới thì Bộ Tài chính cần có đánh giá cụ thể về số thu các loại thuế, phí BVMT và hiệu quả trong thời gian qua đối với công tác này như thế nào. Chỉ khi thấy được hiệu quả thì mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.
Từ đó, nói với truyền thông, ông Long cho rằng cần xem xét lại các khoản thu cũ và chưa vội đề xuất khoản thu mới.