Đưa hơi thở cuộc sống vào sân khấu
Chưa tạo được sức hút, thiếu hơi thở cuộc sống, ít tác phẩm gây tiếng vang, các đề tài truyền thống ngày càng thiếu hấp dẫn… đó là thực tế hiện nay của sân khấu truyền thống Thủ đô.
Xa rời những câu chuyện thời sự…
Hà Nội có nhiều nhà hát so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, còn có các đơn vị trực thuộc Trung ương và sân khấu xã hội hóa. Đây là lợi thế lớn để sân khấu Thủ đô phát triển. Thế nhưng nhìn vào thực trạng hiện nay, sân khấu Hà Nội chưa tận dụng được những lợi thế đó, ngược lại đang đối diện khá nhiều khó khăn.
Theo NSND Bùi Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nghệ thuật sân khấu cũng còn một số thiếu sót trong việc xây dựng hình tượng con người mới - con người của xã hội hiện đại. Có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết một cách khoa học, trong đó có vấn đề “vai trò nhân vật trung tâm trong các tác phẩm sân khấu hiện đại”. NSND Bùi Thanh Trầm nhìn nhận, nhân vật trung tâm của sân khấu hôm nay phải là người có tầm vóc lớn, mang tầm vóc của thời đại.
Thực tế, qua các cuộc liên hoan sân khấu của các đơn vị nghệ thuật gần đây, sân khấu Thủ đô đã có những sáng tạo nhưng đa phần kịch bản vẫn hướng tới những đề tài lịch sử và dựng lại kịch bản cũ. Cách dàn dựng tác phẩm vẫn theo lối mòn. Thiếu vắng những tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại.
Nêu nguyên nhân khiến tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống còn mờ nhạt, NSND Bùi Thanh Trầm chỉ rõ, do chúng ta thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức. Vì vậy, nhiều nhà hát không có người xem. Khó tuyển diễn viên trẻ loại hình sân khấu truyền thống. Nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề nên đã đi tìm mưu sinh khác…
Nhìn vào chương trình kịch mục của Nhà hát Chèo Hà Nội, các nghệ sĩ cho rằng, những vở diễn như “Cô Son”, “Oan khuất một thời”, “Cao Bá Quát, “Nguyễn Công Trứ”, “Ngọc Hân Công chúa”, “Vương nữ Mê Linh”, “Trung trinh liệt nữ”, mới đây là vở “Cánh diều làng Vũ Đại”... Tất cả đều là đề tài lịch sử, dã sử hoặc truyền thuyết dân gian, hoàn toàn thiếu vắng những vở diễn mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Từ đó, các nghệ sĩ bày tỏ hy vọng, thời gian tới, các nhà quản lý văn hóa - nghệ thuật sẽ có những giải pháp tháo gỡ tình trạng này.
Cần có kế hoạch dài hơi
Xã hội đang thay đổi nhanh chóng nhưng với lối mòn cũ, sân khấu Thủ đô đang bị rơi vào trạng thái tĩnh lặng, không có sự bứt phá để thu hút công chúng. Chính vì vậy, muốn đổi mới để tránh tụt hậu thì cần có sự đổi mới của những người đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo NSƯT Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, để có những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, cần có một kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực dài hơi. Cần có hội đồng nghệ thuật cấp đơn vị để kịp thời định hướng, đào tạo, cùng xây dựng những kịch bản mang tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đương đại của khán giả nhưng vẫn đi đúng theo phong cách và định hướng nghệ thuật của đơn vị.
Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và khoa học - công nghệ chắc chắn sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm ấn tượng khó quên, kéo khán giả đến với sân khấu, đến với nghệ thuật; đồng thời, việc hiện đại hóa trang thiết bị cho các đơn vị nghệ thuật giúp phá bỏ rào cản giữa khán giả quốc tế và các tác phẩm nghệ thuật, giúp các đơn vị tiếp cận gần hơn với khán giả bằng nhiều ngôn ngữ và cách thức khác nhau.
Theo TS. Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) để phát triển, sân khấu Hà Nội cần có sự định hướng dựa trên nhận thức đúng về tính truyền thống và tính hiện đại. Hơn thế nữa, khi cơ hội sáng tạo nghệ thuật rộng mở, đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Thủ đô cần phải tự nâng tầm thông qua việc học hỏi từ truyền thống, tiếp thu các giá trị mới của thời đại để tạo ra những tác phẩm có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của nhân dân, trở thành một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần đưa giáo dục nghệ thuật vào học đường để tạo nguồn lực cho sự phát triển nghệ thuật truyền thống của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung trong tương lai. Hiện nay, Nhà hát Kịch Hà Nội đã và đang triển khai Đề án sân khấu kịch học đường với mong muốn đề án sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn để có được một thế hệ nghệ sĩ cũng như khán giả yêu sân khấu truyền thống.