Sống rồi mới viết

NHẬT ĐĂNG 23/08/2023 09:56

Trong lớp nhà văn cao tuổi hiện nay, có một người tôi luôn chờ đợi đọc những sáng tác mới của ông. Đó là nhà văn Ma Văn Kháng (sinh năm 1936, tên thật Đinh Trọng Đoàn). Chỉ có điều thời gian gần đây tuổi cao đã khiến ông không viết đều, viết nhiều như trước. Thế nhưng, thi thoảng vẫn được đọc những truyện ngắn mới của ông, hay những bài báo gửi gắm trăn trở, suy tư.

Nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: Thư Hoàng.

Ma Văn Kháng cũng là nhà văn có nhiều tác phẩm độc giả thích đọc lại nhiều lần. Những tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mưa mùa hạ”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”… hay những tập truyện ngắn của ông, giờ đọc lại vẫn thích vì không chỉ có chuyện mà còn có văn.

Cái hơi văn trong sáng tác của Ma Văn Kháng có lẽ là cái khiến người ta thích thú, nó giống như một thỏi nam châm giữ người đọc ở lại với những trang sách, để đi vào khám phá những câu chuyện mà nhà văn dựng lên, chất chứa nhiều suy tư, suy nghiệm, thậm chí day dứt, buồn đau về kiếp nhân sinh…

Không chỉ viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhà văn Ma Văn Kháng còn viết tiểu luận văn chương và hồi ký. Những “Phút giây huyền diệu”, “Nhà văn, anh là ai?”, hay hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” cho người đọc tiếp cận gần hơn với những suy nghĩ về nghề văn và con đường văn chương của tác giả.

Nó mở ra cho người đọc, cho những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu sáng tác của Ma Văn Kháng những quan niệm sống, quan niệm viết, cũng như cho thấy góc nhìn của ông về người và nghề. Dưới đây là một số tâm sự của nhà văn Ma Văn Kháng.

* Tôi mang ơn những năm tháng sống và làm việc tại tỉnh miền núi Lào Cai. Tôi mang ơn những công việc tôi đã làm. Cuộc sống là người thầy lớn. Sống rồi mới viết. Tôi đã viết được khoảng ba chục truyện ngắn ghi chép lại những mảnh đời cuộc sống con người miền núi Lào Cai. Tôi đã viết được các tiểu thuyết: “Đồng bạc trắng hoa xòe” (1979), “Vùng biên ải” (1974), “Chim én liệng trời cao” (2019), phản ánh cuộc đấu tranh để giải phóng đồng bào các dân tộc khỏi ách đế quốc phong kiến thổ ty. Công cuộc xây dựng cuộc sống mới của bà con miền núi được tôi mô tả trong các tiểu thuyết: “Một mảnh trăng rừng” (1989), “Con của nhà trời” (2018).

Bìa một số tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng.

Không có cuộc sống thì không có văn chương. Nhưng Albert Camus trong diễn văn nhận giải Nobel có một câu viết rất hay: Nghệ thuật sẽ không là gì nếu không có hiện thực. Nhưng hiện thực cũng sẽ chẳng có mấy giá trị nếu không có nghệ thuật.

* Sống thế nào đây lúc này? Với tôi, chỉ còn một cách là cắn răng lại nhịn nhường. Nhịn nhường người thân thì có gì là xấu. Và cắn răng lại để làm việc, để kiên trì nhẫn nại từng bước một đi tới. Tôi không nói ngoa.

Vì quả thật những truyện ngắn và những cuốn tiểu thuyết dài hơi, chính những mơ ước, dự định về chúng đã nuôi dưỡng niềm vui sống của tôi, để tôi vượt qua tất cả thử thách cay nghiệt trong thời gian này.

Tôi vẫn viết. Ngồi trong căn buồng chật hẹp mùa hè như cái lò thiêu, tôi viết, được trang nào lại dúi xuống cất giấu ở dưới gầm giường cùng lũ nồi niêu soong chảo nhọ nhem. Cuộc sống vốn dĩ có đâu là dễ dãi. Phải biết sống cả những khi tưởng như không chịu đựng được nữa.

* Mỗi cuốn tiểu thuyết của tôi thường ứng với một quãng đời thật.

* Nghề văn cũng như bất cứ nghề nào khác, điều quan trọng nhất là ta được làm một việc mà ta yêu thích.

* Thời sung sức của tôi có thể nói là giai đoạn tôi viết “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Côi cút giữa mảnh đời”, “Một mình một ngựa”… Những tác phẩm sau này tôi vẫn cố giữ được ngọn lửa nhiệt tình và cảm hứng nghệ thuật rất dồi dào của bản thân nhưng vẫn thấy được dần dần sức cảm nhận, bút lực đã tan loãng đi. Đó là hiện thực mà không nhà văn nào có thể chống lại được. Đó là quy luật tất yếu của tuổi tác.

* Nhân vật trong tiểu thuyết, truyện ngắn ít nhiều đều là phân thân của tác giả, ít nhất thì chúng cũng phản ánh quan niệm nhân sinh, thẩm mỹ của nhà văn, cha đẻ ra chúng. Đó gần như là quy tắc của nghệ thuật. Các nhân vật của tôi cũng vậy. Chúng vừa là tôi vừa không phải là tôi. Nói cách khác, tôi vừa sống trong bóng hình họ vừa tách ra khỏi họ để phân tích, lý giải, mở đường cho họ. Khắc khoải, trăn trở, đau đớn nhưng lại phải đứng cao hơn bi kịch thì mới có ích cho cuộc sống. Nói chung, mô hình nhân vật của tôi phản ánh quan niệm thẩm mỹ của tôi: Cái đẹp thật sự là cái đẹp khi ra đời trong bi tráng, trong đớn đau, thiệt thòi với tâm thức ngạo nghễ, ngẩng cao đầu!

* Nhà văn là một giá trị tự thân, là kẻ tự xuất hiện, tự lựa chọn và tự gánh vác lấy trách nhiệm phụng sự lợi ích của con người và nhân dân mình. Và công việc của anh là đem lại cái gọi là văn cho cuộc đời. Nó do tài năng nhà văn tạo nên…

* Ký ức con người - điều kỳ diệu. Và văn chương chính là điều kỳ diệu tiếp theo. Đó là nơi ghi lại toàn bộ cuộc sống của con người, từ hình ảnh đến những trạng thái tinh thần tế vi nhất của con người ở mỗi thời đoạn mà không một máy móc, một phương tiện nào có thể sánh được! Và như vậy hệ luận quan trọng sẽ là: Hãy cố gắng nuôi dưỡng ký ức sáng tươi của con người và tuyệt đối không được để mất văn chương. Văn chương, nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống một cách trung thực nhất, đầy đủ nhất. Văn chương, nơi phóng chiếu ảnh hình một thời đại!

Tôi đọc rất nhiều nhưng không có một niềm yêu thích đặc biệt với một nhà văn nào hay tác phẩm nào. Đối với tôi, phải đọc rất nhiều, đọc vô tư, đọc hồn nhiên giống như việc sống vậy, cũng phải hồn nhiên; để nó ngấm vào mình ở thể vô ngôn và đến một lúc nào đó nó sẽ tỏa ra giống như ong hút mật cần cù, rồi lại tự mình làm ra mật.

NHÀ VĂN MA VĂN KHÁNG

* Viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng, ở trên sức người. Từ truyện ngắn “Phố cụt” đầu tay in trên tờ Văn học tháng 3/1961 tới nay đã mấy chục năm trong nghề, vậy mà bây giờ, hễ cứ cầm bút viết là lại thấy bồi hồi, run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu; thật hoang mang và lo sợ.

* Tôi là một người dễ dãi, tôi đọc rất nhiều nhưng không có một niềm yêu thích đặc biệt với một nhà văn nào hay tác phẩm nào. Đối với tôi, phải đọc rất nhiều, đọc vô tư, đọc hồn nhiên giống như việc sống vậy, cũng phải hồn nhiên; để nó ngấm vào mình ở thể vô ngôn và đến một lúc nào đó nó sẽ tỏa ra giống như ong hút mật cần cù, rồi lại tự mình làm ra mật.

* Tôi viết văn không theo quy tắc gì cả. Tôi chỉ viết khi mình cảm thấy thích, cảm thấy muốn viết. Khi bắt đầu viết thì hào hứng và thăng hoa. Viết xong rã rời đến mức không thể nói chuyện được với ai. Có một điều đặc biệt là tôi không bao giờ sáng tác lúc ban đêm. Nhưng, tôi là một người dễ dãi... đáng yêu trong văn chương.

* Viết, phải viết! Và để chuẩn bị cho những tác phẩm dài hơn thì phải ghi chép kịp thời những ấn tượng của cuộc sống hôm nay, của đời sống lúc này, ở ngay nơi mình sinh sống, ở cơ quan…

* Tác phẩm một khi đã ra đời, hiện hữu bằng hình sắc cụ thể, thì đến lượt nó lên tiếng, nó đòi hỏi một sự đánh giá. Và đây, phần thưởng anh được nhận, một sự đánh giá công bằng, hoặc đôi khi có thể còn cao hơn cả sự công bằng thì cũng là rất tốt, vì bao hàm trong đó đã có cả sự khích lệ, mong mỏi nữa ở anh.

* Hãy đọc thật nhiều để những gì mình đọc ngấm vào chính mình và trở thành “vốn liếng” của bản thân. Hãy làm những gì mình yêu thích và đam mê.

* Tự học, đọc sách là con đường lớn mỗi người nhất thiết phải qua nếu muốn tiến kịp yêu cầu của cuộc sống hôm nay.

* Hãy nhìn từ cửa sổ gia đình mình nhìn ra cuộc đời. Và từ cuộc đời hãy chiếu rọi ánh sáng vào mỗi căn nhà, như thế mọi điều sẽ sáng tỏ.

* Tôi đặt nhiều sự quan tâm vào giai đoạn lịch sử, đưa ra những vấn đề mang tính sử thi. Tôi quan niệm không có sử thi thì không có nền văn học dân tộc. Văn học phải có những tác phẩm khắc họa bước đi lớn của đất nước.

* Nhà văn giống như người chiến sĩ vào trận. Anh có nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh. Sử dụng hỏa lực nào với đối tượng nào là điều cần nghĩ đến và xử lý thích đáng.

* Không thể kể hết những gì đã trải qua, những ngẫu nhiên nữa, đã góp phần đưa mình vào con đường văn chương. Đường đời là không thể định trước và mọi việc đều không thể rạch ròi, kể cả khi nó đã hoàn thành.

NHẬT ĐĂNG