Hệ lụy từ nghiện game
Theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế, học sinh, thanh, thiếu niên nghiện game sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, thậm chí ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần, thể chất.
Mới đây, một nam thanh niên tên P.M.Q. (22 tuổi ở Hà Nội) được người nhà đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vì tính tình thay đổi, dễ cáu gắt do chơi game rất nhiều.
Theo chia sẻ của mẹ Q., em vốn là sinh viên khoa công nghệ sinh học của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Cha mẹ ly hôn từ khi Q. còn học lớp 7, đây cũng là lúc Q. bắt đầu chơi game online.
Ban đầu chỉ là được bạn bè rủ chơi cùng, sau đó Q. lấy đó giải tỏa căng thẳng trong học tập và quen nhiều bạn bè hơn. Dần dần, Q. mải mê chơi game, trung bình 10-12 tiếng/ngày, thậm chí còn bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa.
BS Nguyễn Thành Long - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, Q. được chẩn đoán mắc hội chứng nghiện game online, kèm rối loạn cảm xúc hành vi, rối loại giấc ngủ.
Theo các chuyên gia, việc ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại, máy tính sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mắt, xương sống, ngón tay, hay gây rối loạn giấc ngủ. Nguy hiểm hơn, những người trẻ nghiện game còn gánh chịu hậu quả khôn lường về mặt tâm sinh lý.
Trẻ có thể bị game chi phối, tìm mọi cách để có tiền và thời gian chơi, bắt chước game, có hành vi hung hãn, dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng và đáng tiếc.
Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, bệnh nhân ở nhóm 10-24 tuổi chiếm 43% điều trị nội trú về nghiện internet, nghiện game online. Các chuyên gia phân tích, các yếu tố thúc đẩy nghiện game thường thấy là ở tuổi thanh thiếu niên. Sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, song bố mẹ giáo dục bằng roi vọt hay áp đặt, trẻ thấy cô đơn, bất mãn, chán nản, tìm đến chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc. Ngoài ra, thiếu địa điểm vui chơi; trẻ tự ti về bản thân; sức hấp dẫn của trò chơi điện tử; môi trường xung quanh có nhiều người chơi game online... cũng dẫn đến việc trẻ nghiệm game.
Người nghiện game tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game. Trò chơi điện tử được ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác và hoạt động thường ngày. Thậm chí, trẻ nghiện game online còn có xu hướng trì hoãn những việc cấp bách, ví dụ như hạn chót làm bài tập, ôn thi...
Nghiện game là bệnh, thuộc nhóm đối tượng bị rối loạn. Tuy nhiên, khi đã nghiện game và lấn sâu vào thế giới ảo khiến cho người chơi rất khó thoát ra được. Do đó, người nghiện game cần được sự quan tâm, cũng như hỗ trợ nhiều của người thân và gia đình để có thể thoát khỏi tình trạng này. Gia đình có con nhỏ bị nghiện game online không nên quát tháo hay nặng lời, đánh mắng trẻ. Thay vào đó, sự quan tâm đúng mực, đúng cách sẽ giúp trẻ nhiều hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phát hiện sớm trẻ nghiện game online, cần lưu ý đến thời gian trẻ sử dụng internet. Thời gian sử dụng không quá 2 tiếng/ngày nghỉ và 1 tiếng/ngày bình thường, không tính thời gian dùng vào việc học tập.