Tín hiệu vui cho doanh nghiệp
Nhiều ngành như gỗ, dệt may, thủy sản, hồ tiêu... đã gần một năm “bất động” vì đơn hàng xuất khẩu giảm. Vậy nhưng, tín hiệu đảo chiều đang xuất hiện khi một số đơn hàng quốc tế phục hồi.
Thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội mỹ nghệ - chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.
Theo đánh giá chung, đơn hàng xuất khẩu đang dần hồi phục tại một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada... Người tiêu dùng bắt đầu quay lại các cửa hàng mua sắm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các thị trường này cũng đặt ra những yêu cầu cao về cam kết giảm thiểu carbon. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam phải tập trung vào việc sử dụng nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất bền vững, nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường.
Trong khi đó ở ngành dệt may, ông Phạm Tùng Linh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đức Giang cho rằng, 6 tháng đầu năm DN rất khó khăn, tuy nhiên từ quý III thị trường có dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt tại thị trường Mỹ và EU, đơn hàng đã quay trở lại. Hiện, DN đã có đơn hàng hết năm 2023 và đang tìm kiếm đơn hàng cho năm 2024. DN kỳ vọng sẽ kết nối được với các nhà phân phối như Uniqlo, hệ thống AEON, Walmart.
Đại diện một số DN dệt may khác cũng cho biết, đơn hàng dệt may đã cải thiện sau thời gian khá dài chững lại. Tín hiệu tích cực nhất được ghi nhận từ thị trường Mỹ.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cũng cho biết, hiện đã có một số các tập đoàn nước ngoài như Walmart, Uniqlo... vào để thu mua các sản phẩm dệt may của Việt Nam và phối hợp với các DN Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng của họ tại khu vực Đông Nam Á.
Còn với ngành thủy sản, thị trường xuất khẩu cũng bắt đầu khởi sắc hơn vào cuối năm 2023 và sang năm 2024. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9 tỷ USD trong năm nay chắc chắn vẫn đạt được, còn để đạt 10 tỷ USD thì cần nỗ lực khai thác thị trường hơn nữa.
Kết quả kinh doanh của Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn đã ghi nhận sự hồi phục đáng kể trong quý II/2023 so với quý trước đó với doanh thu tăng trưởng 22,6% và lợi nhuận ròng tăng 88,3%. Đáng chú ý, doanh thu cá tra ước đạt 1,55 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với quý I/2023 nhờ xuất sang Mỹ đạt 927 tỷ đồng, tăng trưởng 31%; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 324 tỷ đồng, tăng 43%. Điều này cho thấy sản lượng tiêu thụ đã được cải thiện đáng kể so với mức thấp của quý trước.
Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, hiện Hiệp hội đang đẩy mạnh xuất khẩu và mong muốn tham gia vào hệ thống bán lẻ của thị trường EU (Pháp, Bỉ...), Mỹ, Anh và các thị trường Đông Âu. Một số DN đã thâm nhập vào hệ thống bán lẻ, gia công sản phẩm cho nhiều nhà bán lẻ ở Australia và Mỹ. Nhiều nhà mua hàng đã sang khảo sát nhà máy, tin tưởng và đặt hàng. Tiêu sạch, xanh, an toàn, sản phẩm gia vị của DN đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của EU, năng lực cung ứng có DN có thể xuất khẩu 1-2 container 40 fit gia vị mỗi tháng.
Khó khăn lùi dần
Sau một thời gian gặp khó khăn, với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được triển khai mạnh mẽ, đơn hàng của DN đã dần quay trở lại. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực của DN.
Nhận định về triển vọng nửa cuối năm 2023 và liên quan đến vấn đề xuất khẩu, bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MayBank (MBKE) cho rằng việc tái cấu trúc chuỗi sản xuất cung ứng hướng về Việt Nam sẽ hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong xuất khẩu và sản xuất khi nhu cầu toàn cầu tăng lên do năng lực sản xuất cao hơn. Nhất là Việt Nam đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn FDI được dự đoán sẽ mang lại “làn gió mát” cho chuỗi cung ứng, để thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu khi nhu cầu toàn cầu tăng lên.
Từ đây, kỳ vọng những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu sẽ lùi dần, sức mua ở các thị trường sẽ cải thiện. Khi đó, việc tăng nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu sẽ là một trong những chỉ dấu tích cực cho phục hồi sản xuất.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện lạm phát đã giảm ở một số thị trường, do đó dự báo cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây.
Ông Hải phân tích, tình hình sụt giảm hiện nay chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với trong nước thì năng lực sản xuất của DN hiện nay vẫn rất tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu… Đó là cơ sở thuận lợi để giúp cho DN có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi thị trường được cải thiện.
Theo Bộ Công thương, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia. Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Tại Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện trong thời gian tới sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.