Chia sẻ để gần nhau hơn

Thu Hương 16/08/2023 07:00

Nhiều tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô từ khắp các vùng miền đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lắng nghe, chia sẻ và giải đáp trong Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục - đào tạo năm 2023". Lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách một cách kịp thời.

Nhiều vấn đề liên quan đến đời sống giáo viên được đề cập rất cởi mở tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Thu Hương.

Thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung. Lắng nghe các ý kiến để điểu chỉnh chính sách. Đó là mong muốn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn qua cuộc gặp gỡ, trao đổi với giáo viên (GV), nhân viên ngành Giáo dục cả nước trong ngày 15/8.

Buổi gặp gỡ trực tiếp giữa Bộ trưởng và các GV diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 63 tỉnh, thành...

Tiếng nói từ cơ sở

Từ điểm cầu Sơn La, thầy Đinh Văn Hải - GV mầm non xã Tú Nang, huyện Yên Châu nêu thực tế, lương GV bây giờ chưa đáp ứng được chi tiêu trong cuộc sống. Thời gian giảng dạy nhiều, nên không có cơ hội làm thêm việc khác để tăng thu nhập. Thầy Hải mong muốn Bộ trưởng Bộ GDĐT kiến nghị xem xét tăng lương cho GV.

Cũng chung mong muốn này, cô Vì Thu Trang, GV tiểu học - THCS xã Pà Cò, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đề xuất, Nhà nước có thể mở cơ chế và cho GV dạy thêm, qua đó, giúp GV có thêm thu nhập. Hiện cô Trang phải ở lại trường, cuối tuần mới về nhà do trường cách nhà xa. Nhu yếu phẩm cũng phải mua ở nhà rồi mang lên trường dùng cả tuần.

Cô Lý Thị Trinh Nguyên, GV Trường Mẫu giáo Hoạ Mi, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) bày tỏ: “Có thể thấy GV mầm non rất vất vả, nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay rất thấp so với công sức bỏ ra, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua có rất nhiều GV mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác”. Cô Nguyên mong muốn Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ tham gia giáo dục mầm non và giúp các cô an tâm công tác…

Ở khối giáo dục đại học, TS Trần Trọng Đạo - Chủ tịch Công đoàn, Trường Đại học Nha Trang cũng nêu thực trạng đời sống, thu nhập của viên chức, người lao động còn thấp, áp lực nhiều. Không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Ngoài công việc chính, không ít viên chức, người lao động phải làm thêm nhiều công việc khác (như bán hàng online, bất động sản…) ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì vậy, ngoài chính sách tiền lương, ông Đạo kiến nghị cần có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành.

Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng chung của nhiều thầy cô giáo cả nước. Cụ thể, thống kê của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong số các ý kiến gửi về chương trình, có gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp. Trong đó có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với GV nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là GV đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn vất vả của GV mầm non nói riêng và GV nói chung. Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến các thầy cô, có nhiều chính sách ưu tiên, ngoài lương còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… Tuy nhiên, các chính sách vẫn còn chưa tương xứng với công sức của GV. Nghị quyết 29 nêu định hướng, tiến tới GV sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt đã có sự thống nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non là 10%, tiểu học 5%.

Đại biểu tham dự buổi gặp gỡ qua hình thức trực tuyến tại Điểm cầu Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Ảnh: NTCC.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm gì cho nhà giáo?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cam kết sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo. Cụ thể, Bộ GDĐT sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Hiện có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các bộ, ngành, xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ sẽ làm nhiều việc để làm sao khối giáo dục công – tư được bình đẳng trong thực tế. Trước hết là đối đãi, ứng xử bình đẳng, phát huy hệ thống ngoài công lập để cùng chia sẻ, để xã hội được hưởng thụ giáo dục đa dạng hơn.

Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho GV, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Bộ cũng đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, Bộ GDĐT đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng GV; sửa đổi trong Thông tư 16 về định mức GV/lớp; điều chỉnh chính sách thi đua khen thưởng; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn GV, phát triển hệ thống các trường sư phạm…

Kỳ thi tốt nghiệp 2025 điều chỉnh nội dung câu hỏi, nội dung thi

Đặt câu hỏi về kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được triển khai thế nào từ năm 2025, cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, GV Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết: “GV chúng tôi chưa nắm được nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp tới sẽ triển khai thế nào để hướng dẫn cho phụ huynh. Mong Bộ GDĐT có văn bản hướng dẫn định hướng để GV chủ động trong việc dạy học và ôn tập cho học sinh”.

Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của hàng triệu GV, học sinh và phụ huynh của cả nước trước sự thay đổi lớn trong chương trình học và thi sắp được triển khai. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, về cơ bản sẽ có điều chỉnh về nội dung câu hỏi, nội dung thi”. Tuy nhiên, những điều chỉnh năm 2025 sẽ không gây bất ngờ, sốc cho phụ huynh và học sinh. Phương án thi sẽ điều chỉnh phù hợp với từng lứa học sinh. Phương án thi Bộ GDĐT sẽ sớm công bố.

Trong hơn 6.500 câu hỏi của các nhà giáo gửi đến Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngoài ý kiến về lương, trợ cấp, có gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc chuyển ngạch GV thực hiện chậm, chưa cập nhật đầy đủ mã ngạch theo quy định, bất cập trong việc xếp lương sau khi hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo… Có gần 500 ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu đối với GV mầm non. Đa số các ý kiến đề nghị áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với GV mầm mon là 55 tuổi thay vì tăng tuổi nghỉ hưu lên 60.

5 mong đợi với nhà giáo

Tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn đối với GV cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới. Trước hết, cần thực hiện thật tốt Chương trình GDPT 2018. Điều kiện quan trọng đầu tiên là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân.

Cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích lũy kiến thức.

Cần thay đổi từng thành tố, từng môn học, vị trí từng môn nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất. Phải thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào.

Cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa, một cách chủ động, không lệ thuộc. Coi sách giáo khoa là học liệu, là công cụ và sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của nhà giáo.

GV trong các cơ sở GDPT cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của GV trong chương trình GDPT mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn – cần được phát huy. Trong đó, vai trò của hiệu trưởng, người đứng đầu trường phổ thông rất quan trọng. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được.

Thu Hương