Khung giá mới khi khám, chữa bệnh theo yêu cầu
Từ ngày 15/8, giá giường bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công loại 1 giường/phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng, tối đa là 4 triệu đồng/ngày. Giá khám bệnh không được thu quá 500.000 đồng/lượt.
Tăng lựa chọn cho người bệnh
Nội dung này được quy định trong Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Khung giá dịch vụ được ban hành gồm mức giá tối đa và tối thiểu. Thông tư này được kỳ vọng sẽ loại bỏ tình trạng mỗi bệnh viện một giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu như nhiều năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên một văn bản quy phạm pháp luật riêng về khám chữa bệnh theo yêu cầu được Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức, 108, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Thái Nguyên), hạng 1 (như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Xanh Pôn, Thanh Nhàn (Hà Nội), Từ Dũ TPHCM...) tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác (như đa khoa Đống Đa, Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội), những bệnh viện hạng II...), giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt. Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám, chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.
Tại các bệnh viện lớn, mức giá khám bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nhiều “bậc” khác nhau. Cao nhất thường là mức giá áp dụng cho lựa chọn khám giáo sư, phó giáo sư, trưởng khoa, phó khoa (nhiều nơi áp giá 500.000 đồng/lượt)... Giá giường bệnh theo yêu cầu tối thiểu 180.000 đồng/ngày giường, tối đa 4 triệu đồng/ngày giường đối với loại 1 giường/phòng.
Theo Bộ Y tế, hiện người dân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có 3 hình thức, gồm: Khám theo BHYT (chi trả theo quy định tại Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế); Khám không theo BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chi trả theo Thông tư 14/2019 của Bộ Y tế); Khám theo yêu cầu. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn khám theo yêu cầu theo Bộ Y tế chỉ dưới 10%, tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh, ở tuyến huyện hầu như không có. Bộ Y tế khẳng định, bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu lần đầu được ban hành này chỉ áp dụng cho đối tượng khám theo yêu cầu. Không tác động đến đối tượng khám BHYT và không có nhu cầu khám tự nguyện.
Không vượt quá tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu
Thông tư 13 của Bộ Y tế cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: Quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám, chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị đã rà soát điều kiện tiêu chuẩn thế nào là giường theo yêu cầu, theo định mức được phép. Đồng thời không cho phép các đơn vị thực hiện vượt quá 20% giường bệnh thực hiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu bởi nếu vượt quá, lạm dụng, sẽ ảnh hưởng, gây thiệt thòi đến bệnh nhân nghèo khám, chữa bệnh bằng BHYT. Nếu lợi dụng, lạm dụng quá chỉ tiêu cho phép của Thông tư thì người bệnh không có điều kiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ thiệt thòi. Khi người bệnh tới khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, không có nhu cầu khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì khám thông thường như bình thường và cần giải thích để nếu họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì họ lựa chọn.
Ông Cơ phân tích, hiện nay nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, một bộ phận đi nước ngoài khám, chữa bệnh tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Nếu các bệnh viện công thực hiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu tốt, người dân không phải ra nước ngoài. Như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước. Trong khi thực tế, trình độ chuyên môn của các bác sĩ và bệnh viện ở nước ta, nhất là bệnh viện tuyến cuối không hề thua kém các bệnh viện trên thế giới.
Tại thông tư 13 nói trên, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Theo khung giá này, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá tối đa cao nhất, hơn 134 triệu đồng, tối thiểu 91 triệu đồng.