Những năm tháng không quên dưới lá cờ của Mặt trận Việt Minh - Bài 1: Từ tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh

Thu Hoàn 16/08/2023 08:00

Đại tá Nguyễn Việt Yên (Nguyễn Việt), sinh năm 1925. Năm 1944, ông tham gia Việt Minh ở Hà Nội. Giờ đây, khi sắp bước sang tuổi 100, nhưng những kỷ niệm khi được sống và chiến đấu trong những năm tháng lịch sử hào hùng trước và sau Cách mạng Tháng 8/1945 vẫn không thể nào quên. Đi theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh - tổ chức tiền thân của MTTQ Việt Nam, từ một học sinh ông đã trở thành một chính trị viên và sau đó bước vào con đường binh nghiệp đi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, dâng hiến trọn đời mình cho Tổ quốc.

Đoàn cán bộ Bảo tàng MTTQ Việt Nam thăm ông Nguyễn Việt Yên.

Sinh ra ở thị xã Yên Bái (tỉnh Yên Bái), quê mẹ ở Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) nên bố mẹ đã đặt tên cho ông là Nguyễn Việt Yên để gợi nhớ về quê hương, nơi có những ngọn núi Hùng xanh màu cổ thụ, có hàng trăm quả đồi mà theo truyền thuyết là hàng trăm con voi phủ phục quanh ngọn núi đất Tổ thiêng liêng, có rừng cọ, đồi chè ngút ngàn với vùng châu thổ màu mỡ dọc sông Thao.

Năm 1935, ông theo gia đình chuyển về Đông Triều, Hải Dương rồi học tiểu học ở đây. Sau đó, ông thi đỗ vào trường Trung học Bưởi (Hà Nội), bước vào cuộc đời học sinh trung học, lưu trú xa nhà.

Tuổi thơ đã từng theo cha đi đó đây rồi lên Hà Nội học, trong lòng cậu thiếu niên Nguyễn Việt Yên luôn đau đáu câu hỏi: Phong cảnh quê hương và những nơi ông đã đặt chân đến đều nên thơ, hùng vĩ mà sao đa số người dân lao động thì sống nghèo khổ với bao áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến.

Bức tranh tương phản của xã hội và những cảnh ngộ đau lòng ấy luôn đập vào mắt ông hàng ngày. Cộng thêm vào đó, những vụ lính Nhật, lính Tây hùng hổ đánh đập tàn bạo một vài người dân, những lần mật thám Pháp xộc vào trường lớp bắt đi một vài anh em mà chúng nghi là có hoạt động chính trị đã tác động mạnh mẽ đến ông, khiến ông thấy căm ghét những kẻ xâm lược.

Hồi đó ở trường Bưởi, hàng trăm học sinh tập hợp trong một tổ chức lấy tên là SET với biểu tượng Rồng, chào nhau bằng cách giơ tay ngang vai, xòe ngón tay cái ra thành hình chữ V, với ý nghĩa là Việt Nam do thầy Ngụy Như Kon Tum đảm nhiệm để cùng nhau đi tham quan cảnh đẹp và di tích lịch sử của đất nước, tham gia diễn các phân đoạn của lịch sử trên sân vận động, thu thập tin tức, truyền lại cho nhau nghe tin tức thời sự trong nước, quốc tế. Ông đã tình nguyện tham gia tổ chức này. Những chuyến đi thực tế, những hoạt động sôi nổi ở trường Bưởi, những mạch nguồn văn chương chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc đã hun đúc, bồi đắp trong ông tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc.

Năm 1943, ông tốt nghiệp trường Bưởi, tiếp tục học Ban Tú tài tại trường Trung học Pasteur sơ tán về làng Sở Kiện, Phủ Lý bên dòng sông Đáy trong xanh. Thấy đi Sở Kiện khá xa, đến năm thứ 2, ông cùng hai người bạn học là Mạc Đình Vịnh và Dương Tự Cơ xin học ở trường trung học Văn Lang sơ tán về Hà Đông -Thanh Xuân, ở trọ tại nhà anh Hinh, một công chức Sở Canh Nông Hà Đông.

Vào một ngày cuối hè năm 1944, trong một buổi đàm đạo, Dương Tự Cơ từ chuyện khó khăn của xã hội chuyển sang nói với ông về Việt Minh: Về mục đích, tôn chỉ, chương trình, tổ chức… Cũng tại buổi nói chuyện ấy, ông đã được xem một số báo Cứu Quốc, Cờ Giải phóng rồi xem Điều lệ Việt Minh, xem nhiều bài thơ cách mạng mà đến giờ vẫn lắng đọng nguyên vẹn trong tâm trí ông. Từ hôm ấy, ông suy nghĩ, cân nhắc giữa việc học tập với hoạt động Việt Minh, giữa chịu tù đày với tự do trong vòng nô lệ?

Sau một thời gian ngắn được tuyên truyền, giáo dục, ông đã quyết định tham gia Việt Minh. Cuối tháng 9/1944, lễ kết nạp ông vào Việt Minh được tổ chức đơn giản nhưng vô cùng xúc động tại nhà anh Hinh (nơi ông trọ học). Theo nguyên tắc bí mật, trong lễ kết nạp có 3 người: Ông (bí danh Nguyễn Việt), Dương Tự Cơ (bí danh Lê Tự), Nguyễn Diệp Cầu bạn học cùng khóa Trường Bưởi với ông (bí danh Lê Quân). Và kể từ mùa Thu năm 1944 không thể quên ấy, ông bắt đầu hoạt động Việt Minh, vừa đi học vừa tham gia cách mạng.

Lúc này, Pháp kiểm soát rất gắt gao. Ngoài việc tìm đọc tài liệu để hiểu thêm cách mạng, tuyên truyền kết nạp thêm hội viên mới trong số bạn bè thân thiết, tin cẩn, công việc của ông là rải truyền đơn, viết khẩu hiệu trên đường phố Hà Nội. Việc tổ chức rải truyền đơn phải chặt chẽ để tránh bị địch phát hiện. Công việc đầu tiên là điều tra từng địa chỉ cụ thể, chính xác, bảo đảm đúng đối tượng, sau đó, xác định ngày giờ thống nhất bỏ truyền đơn vào từng nhà; xác định đường đi, thứ tự bỏ truyền đơn, đường rút… Xong có họp kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đêm 9/3/1945, Nhật - Pháp đánh nhau. Ông cùng những người bạn đi tìm súng của lính Pháp bỏ chạy ở vùng sân bay Bạch Mai và lân cận, ông cùng đồng đội tìm vũ khí do Pháp bại trận vứt lại. Từng tổ nhỏ vài ba người đi khắp vùng ven, lội cả xuống sông ngòi, ao hồ, sục vào nhiều hang cùng, ngõ hẻm để tìm vũ khí và rất vui mừng khi gặp mặt khá nhiều bạn học trường Bưởi đều đang hoạt động Việt Minh. Cũng trong một lần đi lùng tìm vũ khí, ông đã được giới thiệu với một tổ Việt Minh ở khu biệt thự Hoa Cúc (Villa des Chrysanthèmes) ở Hà Đông cạnh khu ông trọ để phối hợp hoạt động.

Lúc đó các trường học chưa mở lại nhưng trong đầu ông và những người bạn học dấy lên một câu hỏi: Có học tiếp không? Ông và Lê Tự bàn với nhau dứt khoát bỏ học để đi hoạt động Việt Minh.

(Còn nữa)

Thu Hoàn