[E-Magazine] Chuyên gia kinh tế Martín Rama: Hà Nội vẫn độc đáo và quyến rũ
Gắn bó với Hà Nội đến nay đã hơn 20 năm, Martín Rama - chuyên gia kinh tế người Uruguay vẫn luôn say đắm “nàng” - cách ông gọi Hà Nội - bởi vẻ đẹp của sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Bởi thế mà ông luôn mong muốn có thể góp sức để giữ gìn cho Hà Nội một “cá tính” riêng trong quá trình thành phố đang phát triển thành một đô thị hiện đại.
PV: Rất nhiều người muốn biết lý do tại sao ông lại gọi Hà Nội là “nàng”?
Ông Martín Rama: Các bạn có thể xem cuốn sách của tôi viết về Hà Nội là sự kết hợp bởi lý trí và con tim. Và khi nói đến phần con tim, xu hướng tự nhiên của tôi là nghĩ về mối quan hệ gần gũi với một thành phố như cách tôi nghĩ về một câu chuyện tình yêu. Khi bạn yêu ai đó, bạn muốn bảo vệ cô ấy và làm cho cô ấy tỏa sáng. Và điều đó cũng đúng với một thành phố (như Hà Nội). Trên thực tế, có những lúc Hà Nội có thể làm bạn bực mình: Quá nóng, quá ẩm, quá ồn ào... Nhưng "cô ấy" vẫn đáng yêu và độc đáo.
Nhiều thành phố có thể là nơi thuận tiện để sống và làm việc, nhưng không có gì khiến chúng trở nên đáng nhớ hay gắn bó. Một vài thành phố gần như tương tự nhau. Hà Nội là ngoại lệ. “Nàng” có cá tính mạnh mẽ, điều mà du khách có thể ngay lập tức nhận ra và hầu hết những người dân ở đây đều yêu thích. “Nàng” có sự đặc sắc trong kiến trúc, với sự giao thoa gần như độc đáo giữa các phong cách: Truyền thống, Pháp và Xô viết. Những hồ nước và những con đường rợp bóng cây của “nàng” thật quyến rũ. Cùng với cách mà những cư dân ở đây giao lưu, ăn uống và buôn bán chủ yếu trên các vỉa hè đông đúc đã khiến “nàng” trở nên sinh động lạ thường. “Nàng” có thể bừa bộn, ồn ào và nóng nực một cách khó chịu - hẳn nhiên là thế! Nhưng cũng không nghi ngờ gì: “Nàng” thật đặc biệt.
Quả là một phép so sánh độc đáo! Vậy “nàng” của hơn 20 năm trước đã gây ấn tượng với ông như thế nào trong lần gặp đầu tiên?
- Đó là thời điểm năm 1998 khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi vẫn nhớ rất rõ những gì tôi nhìn thấy và cảm nhận vào lúc đó hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã tưởng tượng. Tôi đã nghĩ rằng Việt Nam sau cuộc chiến tranh Mỹ vẫn đang chịu tổn thương về mặt vật chất; người dân vẫn còn khó khăn. Nhưng thực tế lại không như vậy. Thay vào đó, tôi đã tìm thấy một thành phố xinh đẹp với những người dân sống tích cực, lạc quan và ấm áp.
Tất nhiên, Hà Nội ngày xưa nghèo, cũng chỉ có: Nhà ở chật chội, hầu hết mọi người di chuyển bằng xe đạp một cách chầm chậm và gần như lặng lẽ. Lúc đó điều thú vị nhất với tôi là khi thấy nhiều cách bố trí đô thị và kiến trúc pha trộn hài hòa. Các ngôi đền cổ, các công trình xã hội chủ nghĩa và nhà kiểu Pháp đan xen lẫn nhau tạo nên một sự độc đáo và có lẽ là độc nhất.
Trong mắt ông, Hà Nội hôm nay có khác nhiều so với Hà Nội của 20 năm trước không?
- Khoảng thời gian hơn 20 năm sống và làm việc tại Hà Nội cho phép tôi quan sát được sự thay đổi của thành phố này. So với thời điểm lần đầu tiên, Hà Nội nay đã rất khác, đã có nhiều thứ thay đổi. Có những thứ ở nơi khác cần vài năm để đổi mới thì ở Hà Nội chỉ cần vài tháng. Điều ấy thể hiện thành phố tôi yêu đang phát triển rất nhanh.
Nhưng mặt khác, Hà Nội vẫn giữ được linh hồn và “tính cách” riêng. 25 năm nay “nàng” vẫn vậy. Bất cứ khi nào tôi đi từ sân bay về nhà, những con phố không thay đổi, những con đường rợp bóng cây, những hàng cây, những con người trên vỉa hè. Điều đó đã mang lại cho tôi hy vọng rằng một thành phố có thể phát triển mà không làm mất đi đặc tính của mình.
Trong thời gian làm việc tại Hà Nội, chắc hẳn ông đã có nhiều kỷ niệm với thành phố này?
- Tôi đã sống ở Hà Nội khá lâu nên cũng có rất nhiều kỷ niệm với thành phố. Nếu tôi phải chọn một, đó sẽ là khoảng thời gian tôi cải tạo ngôi nhà số 43 trên phố Trần Hưng Đạo. Nhưng thực tế đó không phải là “ngôi nhà của tôi”. Nó thuộc sở hữu của Bộ Ngoại giao. Hiện căn biệt thự đã trở thành Đại sứ quán Qatar.
Trước đó, vào năm 2002, căn biệt thự Pháp đó trống không và trong tình trạng khá xuống cấp. Dù là một nhà kinh tế học nhưng tôi đam mê việc cải tạo kiến trúc và đã nâng cấp những ngôi nhà lịch sử ở một số quốc gia khác. Ngôi nhà ấy là ngôi nhà đẹp nhất mà tôi từng tham gia bảo tồn. Dù đã xuống cấp qua nhiều năm, nhưng các đặc điểm kiến trúc ban đầu của ngôi nhà vẫn nguyên vẹn. Toàn bộ sàn nhà được lát đá cẩm thạch với các họa tiết hoa lá tinh xảo đã được bảo tồn một cách tuyệt diệu. Thật là một đặc quyền khi có một khu vườn xung quanh, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm và Nhà hát Lớn một quãng đường đi bộ. Căn biệt thự đó đã là ngôi nhà của gia đình tôi trong hơn 7 năm và hình minh họa đầu tiên trong cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội” là để khắc ghi kỷ niệm về ngôi nhà đặc biệt này.
Hà Nội có hơn 1.200 biệt thự kiểu Pháp, và thành phố đang rất nỗ lực trong việc bảo tồn. Là người đã từng trực tiếp tham gia bảo tồn một số biệt thự kiểu Pháp, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình?
- Bảo tồn biệt thự Pháp là việc bảo tồn di sản. Bên cạnh việc cải tạo về mặt hình thức, kết cấu thì cần phải có câu chuyện đằng sau đó. Mặc dù có kiến trúc Pháp không thể nhầm lẫn, nhưng phần lớn các biệt thự này đã là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người Việt. Những câu chuyện cá nhân bên trong những ngôi nhà từng là tổ ấm của họ, đã góp nặn nên đặc điểm của thành phố này. Sáu câu chuyện được kể trong cuốn sách mới của tôi sẽ giúp khắc họa rõ nét về một thời chưa hẳn đã quá xa xôi của Hà Nội.
Tất nhiên, với hơn 1.200 ngôi biệt thự Pháp vẫn còn đứng vững, có thể còn nhiều câu chuyện có sức ảnh hưởng lớn cần được kể. Hy vọng rằng trước khi chúng biến mất cùng với cư dân của mình, những câu chuyện ý nghĩa nhất sẽ được sưu tầm và lưu lại để làm phong phú hơn hiểu biết của mọi người về cuộc sống trong thành phố này.
Bên cạnh những căn biệt thự Pháp, Hà Nội còn có các khu tập thể cũng là một trong những nét đặc trưng của thành phố. Được biết hiện ông cũng đang sống ở một khu tập thể và khá quan tâm đến bảo tồn nhà tập thể như một cách giữ gìn “cá tính” của Hà Nội?
- Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở tập thể (khu tập thể) được xây dựng từ những năm 1960 - 1980. Tôi đặc biệt trân trọng những tòa nhà xuất hiện vào thời kỳ này.
Cá nhân tôi rất yêu các khu tập thể, thậm chí tôi đã dành một chương của cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi” để nói về chúng. Tôi đã chọn một căn hộ trong khu tập thể trên con phố Tôn Thất Thiệp để làm ngôi nhà Hà Nội của riêng mình. Trong vài năm, với sự giúp đỡ của một người bạn Việt Nam, tôi đã cải tạo căn hộ tập thể này để có không gian sống hiện đại, song vẫn mang hồn cốt mà khu tập thể đó để lại. Tôi coi nỗ lực này như một “bằng chứng” cho nhận định: Các tòa nhà theo phong cách xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có thể là một trong những không gian đáng sống nhất ở Hà Nội. Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể chuyển đổi khu tập thể để có cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ được đặc điểm kiến trúc riêng có để kể câu chuyện lịch sử của Hà Nội. Tôi luôn mong ngóng được dành thời gian ở căn hộ tập thể của mình mỗi khi về Việt Nam.
Các khu tập thể cũng là một nét đặc trưng kiến trúc ở Hà Nội, nhưng nhiều khu đã xuống cấp. Theo ông cần làm thế nào để giữ được khu tập thể?
- Khu tập thể có 2 đặc điểm quý giá. Trước tiên, đặc tính của chúng được kế thừa rất nhiều cảm hứng từ kiến trúc hiện đại, phiên bản xã hội chủ nghĩa. Đặc điểm thứ hai, liên quan đến cách khu tập thể tổ chức cuộc sống xã hội. Nhiều khu tập thể có dân số gắn bó chặt chẽ, bao gồm các công chức từ một số bộ ngành hoặc công nhân từ một số doanh nghiệp nhà nước. Và nhiều tương tác giá trị đã xảy ra xung quanh nó. Khi đi qua một khu tập thể, người ta thường thấy trẻ em đang chơi đùa, những người hàng rong bán thức ăn và hoa quả, và bạn bè họp mặt uống trà hoặc bia.
Qua thời gian dài, tất nhiên, các khu tập thể được xây dựng bằng vật liệu rẻ tiền hiện đã xuống cấp. Và tình trạng nhếch nhác, lộn xộn của các “chuồng cọp” do người dân cơi nới khiến các khu tập thể trông thật ảm đạm. Nếu việc nâng cấp khu tập thể đòi hỏi thay thế chúng bằng các tòa nhà cao tầng hiện đại và di dời dân gốc, thì hai đặc điểm khiến chúng trở thành di sản quý giá sẽ bị mất đi. Đây là lý do tại sao trong nhiều bài viết trong cuốn sách của tôi thảo luận về những cách khác để nâng cấp khu tập thể đạt tiêu chuẩn hiện đại về tiện nghi. Những đề xuất này nhằm bảo tồn vẻ đẹp và cư dân ban đầu của chúng, đồng thời cho phép thay đổi và cải thiện các tiện ích, hạ tầng để phù hợp với nhu cầu hiện đại.
Ý tưởng bảo tồn khu tập thể của tôi gồm 2 ý chính: Bảo tồn về hình dáng, màu sắc, kiến trúc; và bảo tồn về con người. Bảo tồn hình dáng để giữ cho Hà Nội có đặc điểm về không gian, kiến trúc đặc trưng. Liên quan đến con người, cần bảo tồn được cuộc sống cộng đồng đó. Ý tưởng của tôi là vừa bảo tồn vẻ bên ngoài, giữ cho cư dân gốc không bị chuyển đi nơi khác, đồng thời vẫn tạo lợi nhuận cho chủ đầu tư trong bảo tồn và nâng cấp khu tập thể.
Ngoài các công trình kiến trúc là biểu trưng cho sự giao thoa văn hóa giữa các thời kỳ thì ở Hà Nội người ta nhắc nhiều đến vỉa hè. Ông nghĩ sao về văn hóa vỉa hè ở nơi đây?
- Trong nhiều năm sống ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi đi dạo xung quanh, tận hưởng sức sống đường phố và ghi lại những nét văn hóa của thành phố ở mọi ngã rẽ. Mặc cho sự phát triển của nền kinh tế, nhiều hoạt động buôn bán hồi đó vẫn diễn ra trên đường phố. Từ rổ rá đến than củi, từ hoa quả đến đồ gốm sứ, từ giày dép đến chăn chiếu... Gần như tất cả mọi thứ đều có thể được vận chuyển trên những chiếc xe thồ, xe đạp hay xe máy và rao bán dọc đường. Vỉa hè Hà Nội là những khu chợ nhộn nhịp, là nơi thuận tiện để người ta mua mớ rau, cắt tóc hay sắm một chậu cây cảnh. Và chúng vẫn như vậy cho đến ngày nay.
Vỉa hè truyền thống của Hà Nội có thể rất lộn xộn, ngoài việc là nơi mọi người có thể tùy ý tạt vào để dựng xe máy, đó còn là nơi diễn ra vô số những sinh hoạt mà ở những thành phố khác người ta chỉ thực hiện ở trong nhà. Nhưng đó là một nét văn hóa truyền thống rất quyến rũ. Mặc dù có thể dễ dàng hiểu rằng vỉa hè gọn gàng là một trong những yêu cầu của các thành phố văn minh và hiện đại. Tuy nhiên, việc giữ cho vỉa hè gọn gàng suốt cả ngày sẽ là một sai lầm. Trong trường hợp của Hà Nội, vỉa hè là nơi diễn ra các tương tác con người có giá trị xã hội cao. Người buôn bán rau củ và hoa quả, bạn bè gặp gỡ qua chén rượu, cốc bia hơi; gia đình ăn uống ngoài trời... Nên có các khoảng thời gian cho những hoạt động này, với các quy định rõ ràng về mức độ diện tích vỉa hè dành cho người buôn và doanh nghiệp liên quan.
Hà Nội có rất nhiều di sản cần được bảo tồn nhưng dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, có khi nào nỗ lực bảo tồn di sản của thành phố có thể mâu thuẫn với quá trình phát triển?
- Điều đó sẽ xung đột nếu một bên cố gắng biến Hà Nội thành một “bảo tàng” trong khi một bên cố gắng cải tạo theo một cách nguyên sơ. Theo tôi, Việt Nam vốn đã đặt ưu tiên cho đầu tư công, cho cơ sở hạ tầng y tế giáo dục... và cần thu hút khu vực tư nhân thêm vào lĩnh vực bảo tồn di sản, vậy hãy làm điều đó theo cách kết hợp những yếu tố tốt đẹp về Hà Nội, những điều thực sự tốt cho sự phát triển của thành phố.
Tất cả chúng ta đều muốn cuộc sống thoải mái hơn, cũng như muốn có những ngôi nhà hiện đại với đầy đủ tiện nghi... Nhưng bạn vẫn có thể đạt được điều đó theo cách mà vẫn bảo tồn được những giá trị tốt đẹp.
Xây dựng Hà Nội hiện đại không thể tránh việc đô thị hóa. Vậy theo ông cần làm gì để bảo tồn những giá trị truyền thống trong kiến trúc, văn hóa của Hà Nội không bị mất đi?
- Đúng, đô thị hóa là một trong những động lực chính của phát triển kinh tế và Việt Nam vẫn cần đô thị hóa, rất nhiều. Nhưng cách thực hiện điều này cũng rất quan trọng. Hà Nội không nên trở thành một thành phố lớn hơn mà đánh mất bản tính của mình. Phát triển đô thị cần được hòa hợp với bảo tồn di sản, và điều này đòi hỏi phải tiến bộ trên nhiều mặt.
Quy định sử dụng đất hợp lý có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nhiều nhà và căn hộ, nhưng nên tránh mật độ dân số quá cao ở phạm vi lõi lịch sử của thành phố. Hạ tầng và dịch vụ giao thông tốt hơn có thể giảm thời gian đi lại, nhưng việc giữ cho vỉa hè rộng rãi, có cây xanh, và cho phép sử dụng chúng cho chợ buổi sáng và nhà hàng buổi tối sẽ giữ cho thành phố sống động và dễ chịu. Quy tắc xây dựng linh hoạt có thể giải phóng sự sáng tạo của các kiến trúc sư, nhưng hướng dẫn thích hợp cho việc nâng cấp các công trình cũ (từ biệt thự Pháp đến khu tập thể xã hội chủ nghĩa) có thể giúp bảo tồn diện mạo của thành phố.
Tuy nhiên, bước đầu tiên để tất cả điều này xảy ra là tạo ra nhận thức về giá trị của bảo tồn di sản đối với phát triển đô thị, và về những rủi ro mà Hà Nội đang đối mặt nếu không đưa ra các quyết định chính sách đúng đắn trong thời gian sớm.
Hà Nội có nhiều lợi thế khi khai thác giá trị từ di sản để phát triển kinh tế, đặc biệt là sử dụng nguồn di sản để phát triển du lịch. Theo ông cần làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế từ di sản, hay nói cách khác là để cho di sản sống?
- Đúng vậy. Việc hài hòa bảo tồn di sản và phát triển đô thị là một ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam. Nếu không thực hiện tốt việc này, có thể dẫn đến những "cái giá" đắt đỏ và không thể hoàn tác. Nhưng điều quan trọng cần hiểu rằng di sản không chỉ quan trọng cho du khách. Hà Nội không phải là Hội An. Đúng là người nước ngoài yêu thích bản sắc của thành phố, và sự ghé thăm của họ tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp và hộ gia đình địa phương. Nhưng di sản có ý nghĩa quan trọng hơn cả đối với người Hà Nội, những người yêu quý bản sắc thành phố mà họ đang sống.
Một điều quan trọng, khi Việt Nam tiến tới trở thành một quốc gia có thu nhập cao, tài năng sẽ trở thành một trong những tài sản quan trọng nhất của đất nước. Những nhà nghiên cứu tài ba, nhà kinh doanh thành công và nghệ sĩ sáng tạo có thể sống ở bất cứ nơi nào họ muốn. Nhưng họ hiếm khi được thu hút bởi những thành phố thiếu bản sắc, những thành phố chủ yếu xem thành công của mình là có các đường cao tốc tiện lợi và trung tâm mua sắm xa hoa. Tiện lợi không đủ để khiến một thành phố trở nên hấp dẫn.
Tôi muốn khẳng định rằng bảo vệ bản sắc Hà Nội không chỉ là ưu tiên cho du lịch mà còn là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà Việt Nam có thể làm cho sự phát triển kinh tế của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!