Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả
Kiến nghị sửa đổi Nghị quyết liên tịch 403 cần bổ sung quy định cụ thể về thời điểm thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP ĐCTUBTWMTTQVN (NQLT số 403) ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trình bày báo cáo, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thông qua quá trình triển khai thực hiện NQLT số 403, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về vị trí, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong hệ thống chính trị, nhận thức về tính chất giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam đó là: Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận đã nhận thức đầy đủ hơn về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, do đó ngày càng tôn trọng vai trò liên minh chính trị của MTTQ Việt Nam, chủ động và tích cực phối hợp tổ chức thực hiện chương trình hành động do MTTQ chủ trì; có nhiều sáng kiến trong việc vận động hội viên, đoàn viên của mình tích cực tham gia chương trình giám sát, cung cấp nhiều thông tin phục vụ hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cùng cấp.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, sau 5 năm thực hiện NQLT số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, hằng năm, qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, lựa chọn những vấn đề nhân dân quan tâm, có nhiều bức xúc, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp thống nhất lựa chọn nội dung, đối tượng, số cuộc giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trình Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho ý kiến.
Sau khi cuộc họp Đoàn Chủ tịch và thống nhất với ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo Thường trực Ban Bí thư về các nội dung giám sát. Sau khi có ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoàn thiện kế hoạch, tổ chức hiệp thương phân công thực hiện các nội dung trong kế hoạch giám sát, phản biện xã hội để tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung giám sát, địa bàn và đối tượng giám sát, bảo đảm chặt chẽ, khoa học.
Ở Trung ương, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Ở các tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và MTTQ cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Về giám sát thông qua hình thức tổ chức đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Anh cho biết, đối với các cuộc giám sát tổ chức bằng Đoàn giám sát do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, được thực hiện đúng quy trình, trình tự theo quy định tại NQLT số 403, từ khâu xây dựng kế hoạch, văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan cử người tham gia đoàn giám sát; quyết định giám sát và thành lập đoàn giám sát; công bố quyết định, kế hoạch giám sát tại cơ quan, đơn vị được giám sát; báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; thông báo kết quả giám sát và kiến nghị của Ban Thường trực ủy ban MTTQ và của Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong 5 năm, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 13.213 cuộc và MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc. Nội dung giám sát được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lựa chọn gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương được Nhân dân quan tâm. Nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm công tác xây dựng đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp.
Về kiến nghị sửa đổi Nghị quyết 403 và các văn bản có liên quan, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng Nghị quyết 403 cần bổ sung quy định cụ thể về đối tượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị bao gồm dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo ban hành chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; bổ sung quy định đối tượng giám sát của MTTQ Việt Nam là đảng viên, tổ chức đảng cho phù hợp với Quyết định 217 năm 2013 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó bổ sung quy định cụ thể về thời điểm thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó việc phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp có thể thực hiện nhiều lần từ giai đoạn lấy ý kiến, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua; bổ sung quy định cụ thể trong hồ sơ thẩm định thẩm tra trình ban hành văn bản pháp luật phải có văn bản phản biện của MTTQ Việt Nam; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi văn bản dự thảo đến MTTQ Việt Nam cùng cấp để thực hiện phản biện xã hội, cung cấp đầy đủ tài liệu thông tin liên quan tới dự thảo văn bản; cử lãnh đạo tham gia hội nghị phản biện để trình bày các nội dung chủ yếu của dự thảo và tiếp thu phản hồi ý kiến tại hội nghị phản biện; nghiên cứu điều chỉnh các hình thức giám sát phản biện xã hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khả năng thực hiện và đảm bảo về tổ chức bộ máy, về biên chế làm công tác giám sát phản biện xã hội khi có sự tham gia của các chuyên gia nhà khoa học và người làm thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo kinh phí với MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã để đảm bảo thực chất hiệu quả, tránh hình thức.