Triều cường tàn phá bờ biển Quảng Nam - Bài 1: Cửa Đại, Cửa Lở đều sạt lở
Thời gian qua mặc dù tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai nhiều dự án chống sạt lở, tái tạo bờ biển tại biển Cửa Đại (TP Hội An) và Cửa Lở (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) nhưng hiệu quả chưa cao, bờ biển 2 khu vực này vẫn tiếp tục sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Nỗi lo triều cường
Bờ biển Cửa Đại dài hơn 6km, từng đứng trong top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á, nhưng từ năm 2014 bị nước biển xâm thực nặng, mỗi năm sóng cuốn trôi hàng trăm mét lấn sâu vào đất liền. Không chỉ bờ biển sạt lở mà nhà cửa, đất đai, vườn tược của người dân cũng bị cuốn ra biển.
Chị Nguyễn Thị Hường (trú phường Cẩm An) cho biết, trước đây bờ biển cách ngôi nhà của chị hơn 10m, nhưng giờ biển ăn sâu vào đất liền, khiến ngôi nhà của chị bị hư hỏng nặng. Mỗi khi vào mùa mưa bão, gia đình chị phải đi thuê nhà trọ để ở, vì sợ sóng biển đe dọa đến tính mạng của cả gia đình.
Cách nhà chị Hường không xa là ngôi nhà của anh Lê Thanh Bình (phường Cẩm An) cũng bị sóng biển đánh mạnh, gây sạt lở đất vườn hơn 7m và ngôi nhà cấp 4 của anh đang đối diện nguy cơ sập đổ hoàn toàn xuống biển.
Ông Võ Văn Anh - chủ một nhà hàng ở bờ biển Cửa Đại cho biết, người dân sống dọc theo gần 10km bờ biển Cửa Đại, thuộc 2 phường Cẩm An và Cửa Đại luôn nơm nớp lo sợ triều cường tấn công. Thực tế những năm qua cứ đến mùa mưa bão hay những đợt triều cường bất thường đã khiến tình trạng sạt lở, ít thì vài mét, nhiều thì vài chục mét, mỗi năm nước biển xâm thực cuốn trôi vài héc ta đất, hoa màu ruộng vườn, nhà cửa của người dân.
“Mới đây, đợt triều cường đã làm 4 ngôi nhà dân ở phường Cẩm An bị sập đổ xuống biển, nước biển tràn sâu vào đất liền làm hư hại cây cối, hoa màu của người dân” - ông Văn Anh chia sẻ.
Tại thôn Bình Trung (xã Tam Hải) hiện có hơn 100 hộ dân với khoảng 350 nhân khẩu luôn sống trong cảnh bất an bởi những năm qua, sóng biển đã xâm thực sâu vào đất liền, cuốn trôi ra biển nhiều diện tích đất, nhà cửa của người dân nơi đây.
Ghi nhận tại bờ biển Cửa Đại cho thấy, đoạn qua phường Cẩm An, liên tục bị sóng biển đánh mạnh vào bờ. Nơi đây đã xảy ra sạt lở dài hàng trăm mét khiến một số ngôi nhà, tài sản của người dân bị hư hỏng nặng và tạo thành bờ vực cao gần 2m. Nhiều cây dừa, cây dương liễu gần bờ cũng bị sóng biển đánh bật gốc ngã, đổ cuốn trôi ra biển. Hiện tại một số người dân đã thuê máy múc để xúc cát đổ vào nơi sạt lở làm bờ kè tạm nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời và thật sự đáng lo khi mùa mưa bão về.
Theo ông Đinh Dũng - Chủ tịch UBND phường Cẩm An, tình trạng sạt lở biển Cửa Đại, đoạn qua địa bàn phường Cẩm An đã diễn ra nhiều năm qua. Trước tình trạng này các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai các biện pháp để chống lại triều cường bảo vệ bờ biển, tài sản của người dân. Hiện nay đang tổ chức đấu thầu dự án xây dựng bờ kè cứng ở đoạn bờ biển tại địa phương. Chính quyền phường Cẩm An cũng thường xuyên tuyên truyền người dân tự xây dựng bờ kè tạm để hạn chế tình trạng sạt lở, giảm thiệt hại đến tài sản.
Tìm phương án khắc phục
Còn tại bờ biển Cửa Lở (xã Tam Hải, huyện Núi Thành), tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn, kéo dài gần 1km, sóng biển đã tạo nên những bờ vực cao hơn 2m, nhiều hàm ếch, vết đất nứt nẻ rất nguy hiểm, nhiều diện tích trồng cây dương liễu chắn gió bị cuốn trôi ra biển, một số còn lại nằm ngổn ngang trơ gốc. Nhà cửa, chòi nuôi tôm của các hộ dân ở đây bị sạt lở hư hỏng nặng.
Nhiều người dân địa phương cho rằng, nếu chính quyền các cấp, cơ quan chức năng không triển khai dự án kè bờ biển hiệu quả, thì bờ biển càng đối diện với nguy cơ bị xâm thực nặng nề hơn.
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, hàng năm bờ biển Cửa Lở bị sạt lở, xâm thực vào đất liền khoảng từ 30 đến 50m. Thời điểm này có hơn 1ha rừng cây dương liễu bị sóng biển đánh ngã và bị cuốn xuống biển, đe dọa đến hàng chục hồ nuôi tôm và khu dân cư Bình Trung.
Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Lở đã diễn ra nhiều năm nay, người dân và chính quyền rất lo lắng. Chúng tôi đã khảo sát để nắm bắt tình hình thực tế và đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Nam. Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, khảo sát. Tuy nhiên kinh phí để xây dựng bờ kè này quá lớn nên hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý”.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Sở đã báo cáo tình hình sạt lở bờ biển Cửa Lở ở xã đảo Tam Hải lên UBND tỉnh và đang triển khai các giải pháp cấp bách, ứng phó với tình trạng sạt lở ở đây. Thực hiện việc cắm biển cảnh báo cho người dân biết khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đề nghị các địa phương trồng lại các loại cây có khả năng hạn chế sạt lở. Trong giai đoạn tới, UBND tỉnh sẽ mời các chuyên gia, tổ chức các đoàn nghiên cứu để đánh giá, xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp bền vững để bảo vệ bờ biển Cửa Lở.
Để cứu bờ biển, từ năm 2020 đến nay, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng nhiều km đê ngầm âm nửa mét so với mặt nước biển, chạy song song cách bờ biển Cửa Đại khoảng 250m. Hiện nay đã đóng 1.000 cọc sắt dài 9m xuống biển ngăn sóng, phía trong là đê đắp bằng 3.000 bao tải xếp liền, cùng nhiều giải pháp khác. Khi đoạn đê ngầm này hoàn thành thì sẽ bơm cát vào trong tạo thành bãi tắm và hạn chế tối đa triều cường để bảo vệ bờ biển. Trong khi đó, nhiều đoạn bờ biển Cửa Đại chưa triển khai xây dựng bờ kè thì vẫn xảy ra sạt lở, xâm thực sâu vào bờ biển.
(Còn nữa)