Để bạo lực học đường không còn chỗ đứng
Chỉ một thời gian ngắn nữa năm học mới bắt đầu, cùng với đó, nỗi lo bạo lực học đường lại gia tăng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, cần thực hiện những giải pháp tổng thể, trong đó đặc biệt chú trọng phối hợp với gia đình học sinh, đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường sao để ngăn chặn, giảm thiếu tối đa tình trạng bạo lực học đường.
Nỗi trăn trở của toàn xã hội
Nhìn lại năm học 2022-2023, hàng loạt những vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra, để lại hậu quả tâm lý nặng nề không chỉ đối với nạn nhân mà tác động tiêu cực đến những người chứng kiến và một bộ phận giới trẻ. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, BLHĐ đang diễn ra và có những biểu hiện khác với BLHĐ trong quá khứ. Đó là số học sinh nữ tham gia BLHĐ, mắc vào BLHĐ có xu hướng nhiều lên và theo cùng một mô típ là thực hiện các hành vi bạo lực và quay video đưa lên mạng xã hội…
Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, khi hành vi BLHĐ bị ghi lại và đưa lên mạng xã hội với sự theo dõi của nhiều người, nỗi đau thể chất sẽ chồng thêm nỗi đau về mặt tinh thần không dễ xóa nhòa, nhất là với tốc độ lan truyền của internet hiện nay. Không chỉ xảy ra ngoài khuôn viên nhà trường, nhiều vụ việc diễn ra ngay trong chính lớp học, dưới sự chứng kiến của nhiều bạn học nhưng không có sự can thiệp kịp thời của giáo viên, nhà trường.
Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tình trạng BLHĐ tồn tại từ nhiều năm nay, đây là bài toán khó cho ngành Giáo dục. Bởi học sinh ở lứa tuổi mới lớn, có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý nên dễ bị kích động trước một sự việc nào đó nếu diễn ra không theo ý muốn. Mặc dù thời gian qua toàn thể xã hội và ngành Giáo dục đã dành sự quan tâm đến vấn đề này song đây vẫn là vấn nạn nhức nhối chưa được giải quyết và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về cơ thể và tinh thần đối với nạn nhân BLHĐ.
3 giải pháp ngăn chặn
Trao đổi tại cuộc gặp gỡ với các thầy cô về vấn nạn nhức nhối mang tên BLHĐ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, Bộ GDĐT đã giao cho các đơn vị có liên quan tiến hành các nghiên cứu. Bước đầu có những đánh giá và đưa ra một số giải pháp thời gian tới cần tiến hành một cách tổng thể. Bởi đây là trách nhiệm của rất nhiều người, không chỉ của ngành Giáo dục. Trong đó, trách nhiệm trước tiên là của người hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo khi sự việc xảy ra, về việc bao quát tình hình khi để xảy ra sự việc trong cơ sở giáo dục của mình.
“Một trong những giải pháp quan trọng là phối hợp với gia đình, phụ huynh, nhà trường cần sớm nắm bắt được diễn biến tâm lý, hoàn cảnh của học sinh để chủ động phòng và giải quyết tận gốc của vấn đề” – Bộ trưởng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường, giáo viên đó là làm tốt việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, quan trọng nhất là giáo dục, hướng dẫn học sinh phải biết tự xử lý các vấn đề của mình, không trông chờ người khác. Đây là cái gốc bởi trong cuộc sống sau này, các em còn phải giải quyết nhiều vấn đề nữa nên phải được giáo dục kỹ năng tự xử lý các vấn đề mình phải đối mặt. Trong đó, cần chú ý đến kỹ năng xử lý các vấn đề khi tham gia vào mạng xã hội. Qua phân tích có thể thấy nhiều thái độ, hành vi của học sinh là học theo mạng xã hội nên cần quan tâm đến yếu tố này.
Giải pháp thứ 3, rất quan trọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đó là quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm khi phát sinh vấn đề, nguy cơ xảy ra BLHĐ thì khả năng xử lý vấn đề của giáo viên rất quan trọng. Thậm chí là khâu có ý nghĩa then chốt quyết định trong việc ngăn chặn BLHĐ.
TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay nhà trường đã đưa tâm lý học vào nhà trường. Giáo viên được tập huấn về giá trị sống từ 2-4 ngày, giúp thầy cô biết quản trị cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực, biết phát huy giá trị của bản thân, giá trị của nhà giáo, từ đó hạn chế tối đa áp lực đối với thầy cô. Khi đó thầy cô sẽ sáng suốt xử lý các vấn đề liên quan đến học sinh của mình và cha mẹ học sinh. Nhờ đó BLHĐ không có chỗ đứng.