Thấp thỏm lo vỡ đê

Nguyễn Chung 17/08/2023 06:33

Những ngày qua, hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực đê sông Càn thuộc thôn 4, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) hết sức lo lắng khi xuất hiện hàng chục vết nứt lớn chạy ngang, dọc thân đê. Đây là lần thứ 2, chỉ trong vài tháng, tuyến đê này xảy ra sự cố.

Người dân xã Nga Điền hoang mang vì đê bị nhiều vết nứt lớn.

Người dân bất an

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hồng - trú tại thôn 4, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn nằm ngay dưới chân đoạn đê đang bị lún, nứt nghiêm trọng. Đã hơn 1 tuần nay, các vết nứt xuất hiện ngày càng nhiều hơn, trong khi đó nước sông Càn vẫn dâng cao mỗi khi mưa lũ về. Vợ chồng chị Hồng đã phải liên tục canh chừng tình trạng của con đê vì những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.

“Đê sông Càn hiện xuống cấp lắm rồi, không biết có trụ nổi qua mùa mưa bão không. Mấy năm trước, có dạo nước lũ dâng lên mấp mé mặt đê, cả làng phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu vỡ đê, thì cả làng ngập hết, chẳng biết chạy đi đâu. Cứ khi bị sạt lở, sụt lún thì chính quyền địa phương lại huy động lực lượng để khắc phục”- chị Hồng lo lắng nói và cho biết thêm: Mấy tháng trước, ở chính đoạn đê này đã xảy ra sự cố tương tự nhưng chính quyền đã cho máy móc về xử lý vết nứt và gia cố thêm thân đê nhưng chỉ được vài hôm, các vết nứt lại xuất hiện ngày một lớn hơn.

Chị Trần Thị Hường (hàng xóm của chị Hồng) chia sẻ: Mấy ngày nay, khi nước sông lên cao, chị phải cho con cái nghỉ học và di chuyển đến nhà người thân vì sợ vỡ đê. “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương các cấp khẩn trương có phương án đầu tư tu bổ, kè lại mái đê để đảm bảo an toàn cho người dân quanh khu vực này. Không thể để người dân sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ như thế này được”- chị Hường đề nghị.

Theo quan sát của chúng tôi: Chiều dài đoạn đê bị lún, nứt chạy qua thôn 4, xã Nga Điền lên tới 150m tính từ cống Ba Bì đến cống Đình. Đặc biệt, tại điểm đê xung yếu đang xuất hiện các vết nứt tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân có chiều dài hơn 30m. Mặt đê và mái đê xuất hiện hàng chục vết nứt. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tuyến đê.

Đợi kinh phí đến bao giờ?

Đê sông Càn là tuyến đê cấp V do UBND huyện Nga Sơn quản lý, thời gian qua, tuyến đê này đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư xây dựng vì thiếu kinh phí.

Vì sao một tuyến đê xung yếu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho hàng trăm hộ dân tại Nga Điền chưa được quan tâm tu bổ, xây dựng? Trả lời cho câu hỏi này, ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Nga Điền cho biết: “Việc tu sửa gia cố cho đoạn đê xung yếu qua xã là vấn đề cấp thiết nhưng đây là điều vượt quá khả năng của chính quyền địa phương. Với đặc thù địa chất dưới mái đê là sình lầy nên độ lún cao. Nếu đê lún thì chúng tôi huy động lực lượng dân quân tự vệ và người dân bồi thêm đất đá để ngăn tình trạng sạt, trượt. Tuy nhiên, chỉ sau một trận mưa thì mọi thứ trở lại như cũ. Để xử lý tận gốc cần phải có thiết kế, vật tư, máy móc mà với xã khó khăn như Nga Điền là rất khó!”.

Cũng trả lời cho câu hỏi nêu trên, ông Thịnh Văn Huyên - Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết: “Huyện đã đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí vốn để làm đập, kè đê sông Càn nhưng chưa được duyệt. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đang đề xuất với tỉnh phương án xử lý khẩn cấp đoạn đê bị sạt lở. Hiện nay nước sông đang thấp nên lực lượng chức năng kiểm soát theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân tại các vị trí xung yếu!”.

Trước nguy cơ vỡ đê sông Càn, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu huyện Nga Sơn khẩn trương khoanh vùng, cắm biển cảnh báo khu vực đang có diễn biến sạt lở; tiếp tục cắt cử lực lượng canh đê, cấm các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông qua khu vực xảy ra sự cố. Đồng thời, thực hiện việc khơi thông dòng chảy, phát quang mái đê nhằm phát hiện kịp thời các vị trí có thể phát sinh sự cố mới tại đoạn đê nguy cơ cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Nga Sơn khảo sát, đánh giá cụ thể nguy cơ nứt, sạt đê tả sông Càn, đoạn qua xã Nga Điền, lập dự toán báo cáo UBND tỉnh quyết định đầu tư kinh phí khắc phục khẩn cấp sự cố đoạn đê bằng nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh. Cùng với đó, các đơn vị liên quan cần thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình thủy lợi, đê điều, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với các sự cố công trình trong mùa mưa bão.

Nguyễn Chung