[Ảnh]: Cận cảnh kho cổ vật hơn 600 tuổi ở thành nhà Hồ Đình Minh• 18/08/2023 15:25 Qua 19 cuộc khai quật trong vòng 10 năm, các nhà khảo cổ phát hiện hàng nghìn cổ vật quý gắn với niên đại hình thành và tồn tại của thành nhà Hồ. Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô, An Tôn, Tây Kinh, hay Tây Giai), là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá, có quy mô lớn, độc nhất vô nhị tại Việt Nam và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được Hồ QuýLy cho xây dựng vào năm 1397. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc khu vực nội thành đã bị phá hủy.Sau 19 cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn gần đây, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ chính thức đưa vào trưng bày nhiều cổ vật quý gắn với niên đại hình thành và tồn tại của kinh thành đá độc đáo, được xây dựng cuối thế kỷ 14. Mỗi ngày, khu trưng bày cổ vật, hiện vật tại thành nhà Hồ thu hút hàng nghìn lượt du khách và các nhà nghiên cứu đến tham quan, tìm hiểu. Chiếm nhiều nhất là nhóm hiện vật được chế tác bằng đá gồm đá tảng xây thành, bi đá, đạn đá hay các quả đối trọng dùng làm súng bắn đá tiêu diệt kẻ địch khi quân đội phòng thủ bảo vệ hoàng thành Tây Đô. Bi đá, đạn đá được tìm thấy nhiều trong lần khai quật đường Hòe Nhai (đường Hoàng Gia) gần cổng Nam thành và lần khảo sát ở làng Đồi Mỏ (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) năm 2015. Những viên đạn đá hình tròn được mài nhẵn, đường kính 5-7 cm được đặt bên cạnh mô phỏng những khẩu súng thần công do Hồ Nguyên Trừng, con trai cả Hồ Quý Ly, phát minh cách đây hơn 600 năm. Súng thần công, vũ khí mạnh nhất của quân đội nhà Hồ.Sử sách ghi lại, từ khi có ý định giành ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đã dự liệu phải chống lại sự can thiệp của nhà Minh, do đó ông chủ trương thu gom đồng để đúc vũ khí đồng thời đưa vào sử dụng tiền giấy nhằm tập trung tài nguyên cho quân sự. Trong ảnh là một hũ tiền đồng cổ thời Trần - Hồ được tìm thấy trong thành nhà Hồ.Trong lần khai quật năm 2007, các nhà khảo cổ học đã phát hiện chiếc thống đất nung cổ đường kính 78 cm, cao 75 cm. Nó được dùng chứa nước cho nhà vua rửa tay, tẩy trần chuẩn bị cho lễ tế trời đất tại đàn tế Nam Giao. Đầu chim phượng bằng đất nung có niên đại cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 với hoa văn trang trí tinh xảo, rõ nét được tìm thấy ở đàn tế Nam Giao thành nhà Hồ. Đây là vật liệu đặc trưng cho kiến trúc Đại Việt cuối giai đoạn Trần - Hồ, được dùng trang trí trên mái cổng lớn ở đàn Nam Giao. Một viên ngói lá đề còn khá nguyên vẹn. Loại ngói này vốn dùng làm vật trang trí trên bờ nóc, bờ vẩy những cung điện khu vực thành nội cùng với nhiều loại khác như ngói mũi sen, ngói bò, ngói âm dương, ngói đầu đao, đầu rồng, uyên ương... Đầu rồng đá thời Trần - Hồ dùng trang trí kiến trúc bậc thềm cung điện. Hiện vật có màu xanh xám, trang trí một mặt khá tinh xảo. Bát men, gôm thế kỷ 15 - 16 được trung bày tại Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ.Các loại ngói, gạch được sử dụng trong việc xây thành.Ông Trịnh Hữu Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết, sau 19 đợt khai quật khảo cổ trong hơn 10 năm qua, các nhà khoa học đã phát hiện hàng trăm nghìn hiện vật liên quan kinh thành này. Tuy nhiên, do nhà trưng bày không đủ diện tích nên số hiện vật còn lại hiện được bảo quản trong kho, số khác ít bị tác động bởi thời tiết như gạch, đá đang được trưng bày ngoài trời. Đình Minh