Cao nguyên đá Đồng Văn: Biểu tượng một vùng văn hóa
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu đã là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Một vùng rừng núi ngút ngàn, những cánh đồng đá miên man, dòng sông Nho Quế như ngừng trôi giữa hai vách đá... có sức cuốn hút kỳ lạ.
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu chính thức công nhận là thành viên, trở thành Công viên địa chất thứ hai ở Đông Nam Á và là Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam. Kể từ đó, Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO vào các năm 2014, 2018 và 2022.
Hiện, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách cả trong nước và quốc tế. Lượng khách du lịch tăng trưởng nhanh và ổn định, từ 300.000 lượt khách vào năm 2010 lên 2,2 triệu lượt khách vào năm 2022 và dự kiến đạt 3 triệu lượt khách vào năm 2023.
Du lịch phát triển đã góp phần thay đổi rõ nét diện mạo vùng đất vốn dĩ xa xôi này, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỉ lệ giảm nghèo 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đạt trên 6%/năm, cao hơn 1-2% so với mức giảm nghèo bình quân chung của tỉnh Hà Giang.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, mới đây UBND tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2018-2022; triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2027.
Tại Hội nghị, nhóm chuyên gia tư vấn của UNESCO đánh giá cao thành công trong phát triển du lịch, thu hút du khách của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đáng chú ý nhận thức bảo tồn của người dân về Công viên địa chất được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được bảo tồn và phát huy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được tỉnh Hà Giang sớm giải quyết, khắc phục như tình trạng khai thác đá trái phép, xây dựng các công trình dự án, nhà ở dân dụng… vi phạm các quy hoạch phát triển vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại di sản.
Giới chuyên gia cho rằng cần nhận thức sâu hơn trước việc kiến trúc nhà truyền thống bị mai một, làm mất đi sức hấp dẫn của các điểm di sản và cảnh quan. Chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ công tác khoanh vùng bảo tồn, đồng thời thiết lập hệ thống phản ứng nhanh tại các địa phương trong vùng để tiếp nhận thông tin và can thiệp ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm công tác bảo tồn. Trong điều kiện xây dựng kiến trúc mới phải bảo đảm hài hòa với cảnh quan. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc xác định rõ các giá trị văn hóa của từng dân tộc để triển khai công tác bảo tồn, gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Riêng về kiến trúc nhà ở, Hà Giang nói chung và Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng nổi bật với nhà trình tường và tường rào đá bao quanh nhà. Tuy nhiên, theo thời gian, những kiến trúc độc đáo này đang dần mai một. Nhà trình tường là nhà tường đắp đất, mái lợp cỏ gianh, nhưng tới nay đang dần bị thay thế bằng nhà xây vật liệu mới, mái hoặc lợp ngói hoặc lợp tôn.
Nhưng đáng quan tâm hơn là hệ thống tường rào xếp bằng đá quanh những ngôi nhà. Đây là lối xây dựng rất đặc biệt ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Các bức tường đá hình thành từ những viên đá kích thước không đồng đều, được xếp chồng lên nhau rất chắc chắn mà không cần bất cứ chất phụ gia liên kết nào, cho thấy bàn tay khéo léo của người dân nơi đây. Những bờ tường đá ấy cùng chức năng bảo vệ cho ngôi nhà, cho gia chủ thì một cách tự nhiên đã hình thành một phong cách kiến trúc độc đáo. Bên trong hàng rào, khoảng sân trước nhà rộng rãi được trồng cây, nhất là đào và mận. Khi hoa đào hồng nhạt, hoa mận trắng tinh khôi nở thì cũng là lúc báo Xuân về.
Đào, mận được trồng tự nhiên, lại được tường rào đá chắn gió nên hoa rất bền: bắt đầu nở trước Tết Nguyên đán chừng một tháng và khoe sắc cho đến khoảng đầu tháng 3 âm lịch năm sau.
Vì vậy, bảo vệ và phát huy di sản Công viên đá Đồng Văn, nhiều ý kiến cho rằng trước hết phải giữ gìn được kiến trúc truyền thống địa phương, vì đó là dấu ấn, là biểu tượng độc đáo của một vùng văn hóa.
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của hơn 250.000 người (thống kê tháng 3/2022) thuộc 17 dân tộc anh em Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy…. Mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú của khu vực này với những “Chợ tình Khau Vai”, Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo, Lễ cấp sắc của người Dao...