Cầu cạn trong xây dựng cao tốc

PV 18/08/2023 09:00

Việc dùng vật liệu thay thế đắp nền và cầu cạn trên cao trong xây dựng cao tốc phía Nam vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến.

Thi công cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Tại hội thảo “Hiệu quả đầu tư cầu cạn đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vấn đề phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật và kiến trúc công trình giao thông cho biết, trong khu vực ĐBSCL cũng đã có những dự án cao tốc đầu tư theo hình thức cầu cạn như: cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 39,8km, trong đó có 13,2km cầu cạn; cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, trong đó có 20,5km cầu cạn.

Theo ông Lâm, chi phí xây dựng cầu cạn cao nhưng nếu áp dụng giải pháp nhịp dầm cải tiến bê tông siêu tính năng thì có thể giảm suất đầu tư xuống tương đương so với đầu tư bằng phương pháp xử lý nền đất yếu hoặc sàn giảm tải cống dọc.

Liên quan đến vốn đầu tư cao tốc, suất đầu tư đường cao tốc theo phương án dùng cát san lấp nền đường trung bình cho mỗi km là 232 tỷ đồng nếu không làm cầu cạn.

Nhìn chung phương án cầu cạn với những vùng đất yếu khi xây dựng cao tốc ở ĐBSCL gặp phải vấn đề kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tính “vòng đời” cao tốc từ 50 năm đến 100 năm thì cũng không phải là cao.

Một chuyên gia lĩnh vực xây dựng giao thông nếu ví dụ: Đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với phương án đắp nền thì tính ra suất đầu tư cho mỗi km là 245 tỷ đồng. Còn nếu sử dụng phương án cầu cạn thì chi phí đầu tư là 271 tỷ đồng/km.

Một ưu thế nữa của phương án cầu cạn khi xây dựng cao tốc ở ĐBSCL là phạm vi giải phóng mặt bằng, đền bù giảm đáng kể. Bởi lẽ, trên tuyến đường làm cầu cạn có thể làm đường gom hai bên ngay sát khu vực cầu cạn. Trong khi nền đường ở khu vực nền đất yếu có thể xảy ra hư hỏng, quá trình sửa chữa, thảm bù phải ngăn giao thông, làm ảnh hưởng quá trình khai thác thông thường của tuyến đường.

PV