Chưa được hỗ trợ giải phóng mặt bằng: Nhiều người dân bức xúc
Với lý do để nhanh chóng về đích nông thôn mới, cùng với nỗi lo thiếu phòng học, chủ đầu tư dự án mở rộng trường Tiểu học Nghi Kim (Nghệ An) đã “quên” giải phóng mặt bằng, “quên” đền bù cho người dân.
Theo phản ánh của 12 hộ dân, xóm 5, xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An), dự án mở rộng Trường Tiểu học Nghi Kim đã được khởi công từ gần 1 năm trước, sắp đưa vào hoạt động, nhưng đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tiến hành xong. Cụ thể, dự án mở rộng Trường Tiểu học Nghi Kim ngay tại cánh đồng Đông Trường được triển khai từ tháng 9/2022. Khi đơn vị thi công đưa máy móc tới để đào đất làm trường thì người dân mới biết khu đất nông nghiệp bị thu hồi để xây trường.
Đại diện các hộ dân sau đó thường xuyên có mặt ở dự án này yêu cầu chủ đầu tư là UBND xã Nghi Kim giải thích. Theo thông tin người dân cung cấp, thời điểm đó, đại diện lãnh đạo xã Nghi Kim đã đề nghị bà con thông cảm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để kịp tiến độ. Đồng thời, hứa với các hộ dân sẽ đền bù trước Tết Nguyên đán với mức giá 170 triệu đồng/sào.
Tuy nhiên, chờ đến những ngày cuối cùng của năm, người dân vẫn chưa thấy tiền đền bù nên kéo lên trụ sở UBND xã để hỏi. Sau đó, đơn vị thi công đã phát cho mỗi hộ dân có đất bị ảnh hưởng 500.000 đồng. Cho đến nay, gần 1 năm đã trôi qua, các hộ dân này vẫn chưa nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Bà Nguyễn Thị Quế (62 tuổi) trú xóm 5, xã Nghi Kim nói: Việc xây dựng trường, chúng tôi ủng hộ, nhưng xã nên có ý kiến với người dân, vì đất này chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận. Hơn 1 năm qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được đền bù.
Bà Vũ Thị Minh (72 tuổi) trú xóm 5, xã Nghi Kim cho biết: Trước đây, người dân trồng 2 vụ gồm lúa nước và lạc. Nhưng do quá trình đô thị hóa, cánh đồng này dần trở nên bạc màu, kể từ năm 2018 thì không thể tiếp tục canh tác. “Hiện, nhà nước đã xây dựng công trình trường học trên đất, nhưng chưa đền bù. Mong muốn của người dân có đất ở khu vực này là được nhà nước hỗ trợ một mức giá hợp lý để người dân chuyển hướng phát triển kinh tế” - bà Minh nói.
Theo ghi nhận, dự án mở rộng Trường Tiểu học Nghi Kim được xây dựng trên diện tích hơn 600m2, gồm 1 nhà 3 tầng với 18 phòng học, hiện đã xây dựng xong phần thô. Toàn bộ diện tích được xây dựng nằm trên đất nông nghiệp của người dân. Ngoài ra, phần sân trường phía trước tòa nhà cũng chiếm đến hơn 2.000m2 đất nông nghiệp.
Theo đại diện đơn vị thi công, do người dân bức xúc ngăn cản nên dự án có thời điểm bị đình trệ suốt 2 tháng. Dự kiến tòa nhà này sẽ đưa vào hoạt động khi bước vào năm học mới. Tổng mức đầu tư của tòa nhà là hơn 14 tỷ đồng, chưa kể phần đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng sân trường phía trước.
Ông Nguyễn Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho biết: Theo quy trình thì phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong mới thi công. Nhưng thời điểm đó, xã Nghi Kim đang phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, có tiêu chí giáo dục, chỉ cần 1 trong 3 trường không đạt chuẩn thì xã cũng không hoàn thành kế hoạch đề ra, do đó phải thi công khẩn cấp. “Thời điểm đó, chúng tôi cũng đã đối thoại với các hộ dân, mong bà con thông cảm và xin thi công trước, đền bù sau để kịp tiến độ và nhận được sự thông cảm của người dân”- ông Khiêm nói.
Tuy nhiên, vấn đề khiến người dân sau đó bức xúc là mức giá đền bù chưa phù hợp. Cụ thể, với lý do đất đã không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục nên UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đồng ý với công văn của Sở Tài chính về đề xuất mức hỗ trợ cho các hộ dân bằng 2 lần giá đất nông nghiệp theo quy định tại bảng giá đất với mức hỗ trợ 85 triệu đồng/sào.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Nghi Kim khẳng định: Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục có tờ trình để kiến nghị Sở Tài chính xem xét, tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng. Bởi, các dự án đã, đang triển khai đều có nguồn gốc đất tương tự, đều được hỗ trợ 170 triệu đồng/sào.
“Bây giờ chỉ hỗ trợ 85 triệu đồng/sào thì cũng thiệt thòi cho người dân. Trên thực tế, khu đất này không phải bỏ hoang mà không thể canh tác được do nguyên nhân khách quan. Chúng tôi cũng mong cấp trên có phương án giải quyết phù hợp cho người dân” - ông Khiêm nói.
Liên quan đến dự án này, trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cũng đã có ý kiến cho rằng: Để đảm bảo công bằng và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân bị Nhà nước thu hồi đất làm dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất chủ trương hỗ trợ, mức hỗ trợ đề nghị Sở Tài chính xem xét cụ thể, đảm bảo như các dự án tương tự bị thu hồi đất trên địa bàn xã Nghi Kim đã thực hiện.