[Ảnh]: Toàn cảnh tuyến đường ‘4 trong 1’ gần 2.000 tỷ đồng ở Ninh Bình

Đình Minh 25/08/2023 14:44

Tuyến đường Đông - Tây thuộc tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) có chiều dài 22,95km, được đầu tư với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật trong năm 2023.

Ngày 12/7, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-HĐND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I).
Theo đó, dự án thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.913,754 tỷ đồng (tăng 427,754 tỷ đồng do phát sinh chi phí trong thực hiện GPMB và giảm một số chi phí trong tổng mức đầu tư).
Dự án có tổng chiều dài 22,95km, kết nối từ cực phía Tây đến cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn.
Sau khi HĐND tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.486 tỷ đồng lên 1.913,754 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn sau điều chỉnh gồm: Ngân sách Trung ương là 500 tỷ đồng bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; ngân sách tỉnh là 1.413,754 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án sau điều chỉnh năm 2021-2026.
Chủ đầu tư dự án là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Ninh Bình. Đơn vị thi công là liên danh Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Công ty Thành Trung. Thời gian dự kiến hoàn thành tuyến đường giai đoạn 1 vào ngày 31/12/2024.
Bởi đây là dự án được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Thông thường, những dự án nhóm A sẽ có thời gian thực hiện trong 5 năm nhưng do tính chất quan trọng nên tỉnh Ninh Bình đã rút ngắn thời gian thực hiện dự án này chỉ còn trong 3 năm.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án khởi công từ tháng 3/2022, đến nay, các hạng mục công việc chủ yếu đang tổ chức thi công toàn bộ mặt bằng được bàn giao bao gồm phần nền đường, thi công cầu, cống… Giá trị thi công xây lắp thực hiện ước đạt: 75 tỷ đồng/735,391 tỷ đồng.
Vào ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa hiện trường, nghe báo cáo về tiến độ thi công tuyến đường Đông - Tây của tỉnh Ninh Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau khi hoàn thành, tuyến đường Đông - Tây Đồng thời sẽ kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, QL1A, đường bộ ven biển (Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tuyến đường sắt Bắc - Nam... tạo trục giao thông chiến lược, liên thông đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh Ninh Bình.
Trong hình là điểm đầu tuyến tại đường Đồng Giao (TP Tam Điệp), kết nối trực tiếp với cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Mai Sơn - QL45). Điểm cuối của tuyến là tại nút giao đường QL12B và đường Đồng Phong - Cúc Phương (thuộc xã Văn Phong, huyện Nho Quan).
Quy mô trước mắt tuyến đường được thiết kế 4 làn xe, bề rộng nền đường 70m. Riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc - Nam có quy mô 8 làn xe hoàn thiện theo quy hoạch đô thị TP Tam Điệp.
Dự án tuyến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình được kỳ vọng sẽ mở ra không gian mới để phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp, khoa học công nghệ của tỉnh Ninh Bình. Vì thế, được gọi là tuyến đường "4 trong 1" ở Ninh Bình.
Về công tác GPMB, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 20,2/22,9km. Trong đó, địa phận TP Tam Điệp bàn giao 6,627/6,627 km; huyện Nho Quan bàn giao 13,64/16,3 km đất nông nghiệp (đạt khoảng 83,66% diện tích GPMB). Tuy nhiên trên diện tích bàn giao ở cả 2 địa phương vẫn còn một số vướng mắc.
Ghi nhận tại công trường thi công dự án, tại nút giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã cơ bản hoàn thành, mặt đường đã thảm nhựa, cột đèn chiếu sáng được lắp đặt, hệ thống biển báo, chỉ dẫn ra vào đường cao tốc cũng dựng xong...
Hiện nay các mũi thi công trên công trường được đẩy mạnh để đạt đúng tiến độ của dự án. Chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung vật tư, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ với các mũi thi công. Đồng thời, đề nghị các địa phương sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư làm cơ sở để chỉ đạo thi công.
Tỉnh Ninh Bình đang quyết liệt chỉ đạo các sở ngành, địa phương, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án và nhà thầu thi công phấn đấu sẽ thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến trong năm 2023.

Đình Minh