Tín hiệu vui từ thị trường lao động
Dù nhiều doanh nghiệp thu gọn bộ máy nhân sự nhưng thị trường tuyển dụng vẫn còn nhiều cơ hội. Theo thống kê, cứ 10 người bị cắt giảm thì có 7 người tìm được công việc mới.
Nhiều cơ hội việc làm
Theo thống kê từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, tại Việt Nam, trung bình cứ 10 doanh nghiệp (DN) thì có 3 DN buộc phải cắt giảm nhân sự với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, thị trường tuyển dụng nhân sự vẫn rất sôi động. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 113.600 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường. Những khó khăn đối với DN này có thể chính là động lực giúp DN khác mạnh mẽ hơn. Với người lao động, nghỉ việc có thể mở ra cơ hội mới nếu biết nắm bắt.
Thực tế tại phiên giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến kết nối 13 tỉnh, thành phố mới đây với sự tham gia của 191 DN tham gia tuyển dụng 34.177 chỉ tiêu với mức lương lên tới 15 triệu đồng/tháng.
Nói về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Thoại – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ hàng không thuộc Công ty CP Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam thông tin: Nhu cầu lao động trong ngành hàng không từ nay đến năm 2026 cần khoảng 58.000 lao động cho các cảng, sân bay. Và đặc biệt, từ nay đến năm 2030, với 6 cảng và sân bay được xây mới thì nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều hơn. Do đó, Trung tâm dịch vụ hàng không tuyển sinh các em từ 18 tuổi, có bằng tốt nghiệp THPT trở lên để đào tạo và huấn luyện nghiệp vụ để góp phần đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động.
“Thời điểm này chúng tôi cần tuyển dụng 210 chỉ tiêu ở các vị trí: Kỹ sư kỹ thuật dụng cụ thiết bị, bảo dưỡng dụng cụ thiết bị, cơ khí, kỹ thuật bảo dưỡng nội thất, lái xe vận hành trang thiết bị mặt đất, bốc xếp – vận chuyển hàng hóa, vệ sinh máy bay, với mức lương 10 – 40 triệu đồng/tháng, tùy từng công việc” - ông Thoại cho biết.
Mới xin nghỉ chỗ làm cũ, anh Nguyễn Hữu Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội) có ý định đến Trung tâm việc làm Hà Nội để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên đến nơi biết đang diễn ra phiên giao dịch việc làm anh liền vào tìm hiểu thông tin. “Chỉ sau 30 phút tư vấn tôi đã chọn cho mình được công việc mới với mức lương, phụ cấp hơn chỗ làm cũ. Trái với suy nghĩ của tôi, hiện giờ nhu cầu tuyển dụng của các DN khá đa dạng, người lao động có nhiều sự lựa chọn” - anh Bằng chia sẻ.
Nhu cầu tuyển dụng vẫn lớn
Khảo sát của Anphabe - một trong những đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, dù nhiều DN thu gọn bộ máy nhân sự nhưng thị trường tuyển dụng vẫn còn nhiều cơ hội. Theo thống kê, cứ 10 người bị cắt giảm thì có 7 người tìm được công việc mới. Nhu cầu tuyển dụng lớn tập trung ở các lĩnh vực: bán hàng, marketing, tài chính, nghiên cứu và phát triển. Tại một DN xuất nhập khẩu, nhu cầu tuyển dụng trong năm nay tăng 20% so với năm ngoái.
Thực tế quan sát qua các phiên thì thấy hiện nay những vị trí ngành nghề được các DN tuyển dụng nhiều là công nhân sản xuất điện tử với số lượng thường trên 20.000 người, riêng phiên ngày 14/8 cần đến hơn 28.500 chỉ tiêu, ngoài ra là nhóm công nhân may mặc, công nhân sản xuất, công nhân xây dựng, kinh doanh – marketing, cơ khí – hàn…
Theo các chuyên gia, phải nghỉ việc thời gian này đôi khi cũng là cơ hội để người lao động có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp. Trong số 7/10 người khi bị cắt giảm có việc làm ngay, có tới 3 người nhận được mức lương cao hơn, 3 người giữ nguyên và chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn. Đối với nhóm chưa tìm được việc, 2/3 trong số này đang mở rộng tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực khác. Việc cắt giảm nhân sự trong ngành này đồng nghĩa với việc cung cấp nguồn nhân lực bổ sung cho các ngành khác.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện vẫn có nhiều DN đăng ký với Trung tâm để tuyển dụng lao động với số lượng lớn, riêng tại Hà Nội, dự báo cần 120.000 - 140.000 lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng.
Với TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố đánh giá, dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với dấu hiệu đang dần phục hồi, thị trường lao động thành phố cũng sẽ có những chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm. Dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2023 cần 155.000 - 165.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu, trong đó ngành thương mại dịch vụ chiếm 64,5% tổng nhu cầu nhân lực, công nghiệp xây dựng 34,6%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,41%.
Còn tại Quảng Ninh, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, dự báo 6 tháng cuối năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh cần 8.500 lao động (tương ứng cả năm khoảng 17.000 người). Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trên, tỉnh đang triển khai và làm tốt các giải pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động như: Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phía Bắc; đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại...