Kỳ vọng lãi suất vay tiếp tục hạ

H.Hương - P.Vân 19/08/2023 09:00

Nhiều ngân hàng tư nhân đồng loạt giảm tiếp lãi suất tiết kiệm trong nửa đầu tháng 8. Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Thế nhưng lãi suất cho vay ít biến chuyển.

Doanh nghiệp mong lãi suất vay tiếp tục hạ nhiệt. Ảnh: Quang Vinh.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Trung tuần tháng 8, nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Chẳng hạn VietABank điều chỉnh giảm từ 0,1 - 0,3% lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 - 7 tháng giảm 0,2% còn 6,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 8 - 11 tháng giảm 0,1% còn 6,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 - 36 tháng về chung một mức 7%/năm.

BacA Bank cũng công bố giảm 0,25% lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng ngân hàng này giảm lãi suất. MSB là ngân hàng điều chỉnh mạnh tay nhất từ đầu tháng 8. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng được MSB hạ 1%, đưa mức lãi cao nhất về còn 6%/năm.

Trong khi đó tại nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank), khách hàng gửi tiền từ 12 tháng trở lên chỉ còn được hưởng lãi suất 6,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm; 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 3,3 - 4,1%/năm...

Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong bối cảnh lãi suất đầu vào hạ nhiệt, NHNN yêu cầu các ngân hàng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân.

Dù vậy, lãi suất cho vay vẫn ít chuyển biến. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn cao, nhiều DN vẫn đang phải chịu mức lãi vay 14-15%/năm.

Đứng ở vai trò của DN, ông Lê Tự Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty IMG cho rằng, lãi suất trung hạn nên giảm xuống dưới 10%, bởi với mức lãi suất cao như hiện nay thì "không có nền kinh tế nào khỏe mạnh". Theo ông Minh, tại các nước phát triển, mức lãi suất trung hạn chỉ từ 3% - 5%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi vay trong nước đang áp dụng. Từ đó, ông kỳ vọng lãi suất trung hạn chỉ nên ở mức 8,5%/năm như 2 năm trước và biên độ 12 tháng dưới 3%. “Mức này mới có thể giảm bớt được khó khăn cho DN” – ông Minh nói.

Bất động sản kỳ vọng đón dòng tiền

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó, đánh giá tổng thể thị trường, việc triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách có liên quan đến thị trường bất động sản, đất đai, xây dựng, vốn…Đồng thời, yêu cầu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo nhận định của TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia, thị trường bất động sản đã tạm thời trải qua giai đoạn khó khăn nhất, trong đó có cả tài chính; đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, giao dịch và tháo gỡ những vướng mắc chính cho các dự án. Theo ông Lực, thị trường đang có dấu hiệu dần hồi phục kể từ tháng 5/2023 cho đến nay, quý II tốt hơn quý I. Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy khoảng 76% vào thời điểm hiện tại...

Giới chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính vực dậy toàn ngành bất động sản. Cùng đó, hành lang pháp lý từng bước được tháo gỡ giúp khơi thông lại nguồn cung bất động sản. Phân khúc nhà ở xã hội được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng là chất xúc tác đối với thị trường.

Theo ông Lê Tự Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty IMG, tại các nước phát triển, mức lãi suất trung hạn chỉ từ 3% - 5%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi vay trong nước đang áp dụng. Từ đó, ông kỳ vọng lãi suất trung hạn chỉ nên ở mức 8,5%/năm như 2 năm trước và biên độ 12 tháng dưới 3%. Mức này mới có thể giảm bớt được khó khăn cho DN.

H.Hương - P.Vân