Đừng 'tự bắn vào chân mình'

PV 19/08/2023 07:00

Tuy gặp khó khăn nhưng xuất khẩu vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dự kiến đạt 393 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm.

Năm 2023 xuất khẩu hàng hóa dự kiến đạt 393 tỷ USD.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, khó khăn trong năm 2023 có thể gấp nhiều lần năm 2022, bởi đây là thời điểm hệ lụy của tình trạng suy thoái, lạm phát được bộc lộ rõ nét. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm cũng như những tháng còn lại của năm còn phụ thuộc vào diễn biến xung đột trên thế giới.

“Là nước xuất khẩu lớn, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác có tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam ít nhiều sẽ bị tác động” - ông Hiếu phân tích và nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Công thương cần quyết liệt hơn trong triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để bù đắp sự suy giảm ở một số thị trường lớn.

Về việc Bộ Công thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại vào những thị trường mới như: châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin, Thổ Nhĩ Kỳ… ông Hiếu cho rằng đó là bước đi đúng hướng khi tìm cách xâm nhập vào những thị trường mà Việt Nam chưa khai thác hoặc chưa phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng cũng không hề dễ dàng để có thể khai phá thị trường mới...

“Với các DN xuất khẩu Việt Nam cần phải quan tâm rất nhiều đến vấn đề chất lượng hàng xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu phải luôn coi trọng, hiểu rõ những quy định của hiệp định thương mại và tuân thủ mọi phương diện trong hiệp định thương mại. Đặc biệt là những quy định về an toàn thực phẩm, quy định môi trường, lao động. Đây là vấn đề hàng đầu cho tất cả các quốc gia, và nếu mà các nhà xuất khẩu Việt Nam không quan tâm thì chắc chắn chúng ta sẽ lâm vào cảnh “tự bắn vào chân mình” - ông Hiếu khuyến cáo.

Tin tưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm 2023, bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán và trái phiếu, VinaCapital, cho rằng hàng tồn kho tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, đang giảm với tốc độ khá nhanh. Do đó triển vọng cho khối sản xuất đang dần tích cực trở lại và các đơn hàng tại các nhà máy ở Việt Nam sẽ hồi phục, đặc biệt là trong những tháng cuối của năm 2023. Bà Thu đánh giá cao việc Chính phủ quyết liệt trong xử lý từng nút thắt của nền kinh tế với sự đồng bộ của các chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong hỗ trợ DN và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thông qua một loạt các thông tư, nghị định, như: Nghị định 12 về gia hạn thuế và tiền thuê đất; Nghị định 08 cho phép giãn gốc và lãi trái phiếu DN tối đa 2 năm để các DN có thêm thời gian sắp xếp nguồn vốn trả nợ nhà đầu tư trái phiếu; Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi thông tư 16 về việc ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu DN đã bán ra trong vòng 12 tháng; và Thông tư 02 về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay ngân hàng... Điều đó không chỉ thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước, mà DN xuất khẩu cũng có thêm lợi thế.

Nhìn nhận khó khăn, bà Thu cho rằng khi mà cầu của các đối tác thương mại chính như Mỹ và châu Âu còn yếu sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu chậm lại. Xuất khẩu vẫn đang chịu áp lực từ sự sụt giảm nhu cầu của các đối tác thương mại chính, cho dù lượng tồn kho hàng hóa của họ đã giảm sâu. Vì vậy, mặc dù kỳ vọng nhu cầu này sẽ được phục hồi trong thời gian tới, song bà Thu cho rằng, đây là nhân tố khách quan, khó có thể tác động và điều chỉnh trong ngắn hạn.

“Vì vậy, xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng các DN xuất khẩu vẫn cần chuẩn bị tâm thế để vượt qua thách thức” - bà Thu nói.

Cùng với những phân tích, đánh giá, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn rất cần sự quan tâm, trao đổi, phối hợp giữa các Thương vụ Việt Nam với cơ quan xúc tiến thương mại, các bộ, ngành, địa phương và DN để kịp thời nắm bắt các thông tin thị trường, sản phẩm cũng như những quy định ngày càng có nhiều thay đổi tại thị trường quốc tế để hoạt động xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn trong thời gian tới.

PV