Cần chấn chỉnh hoạt động làm sai lệch di sản
Liên quan đến các hoạt động Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 17/8 Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tiếp tục nêu quan điểm.
Trước đó, hoạt động trình diễn hầu đồng diễn ra trong khuôn khổ một hội thảo khoa học tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế, nhiều nghệ nhân, cộng đồng nắm giữ di sản không đồng ý khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu đã bị đưa ra khỏi phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản.
Theo nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ngộ (TP Huế), hầu đồng - một nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cần được thực hành trong “không gian thiêng” như cung đền, sở điện mới phát huy tính thiêng của di sản. Hầu đồng không nên được trình diễn trên sân khấu vì sẽ mất đi tính thiêng.
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, tiết mục trình diễn khăn áo các giá hầu của nghi thức hầu đồng chỉ với mục đích mong muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế hiểu hơn về di sản độc đáo này của người Việt. Ngày 21/4/2023, tại sân khấu ở quảng trường Hùng Vương (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), trong khuôn khổ chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ, Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho trình diễn trích đoạn Giá hầu Cô đôi Thượng Ngàn của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Liên quan đến những nội dung này, Cục Di sản văn hóa nêu rõ, Luật Di sản văn hóa quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, bị mai một hoặc thất truyền.
Hướng dẫn thực hiện Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cũng chỉ rõ, trong quá trình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những di sản văn hóa phi vật thể cụ thể, tất cả bên tham gia được khuyến khích tuân theo nguyên tắc hoàn toàn tôn trọng các tập tục quyết định việc tiếp cận các phương diện cụ thể của các di sản, đặc biệt là những điều bí mật và có tính thiêng.
“Như vậy, đây là các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và Công ước mà Việt Nam là quốc gia thành viên” - Cục Di sản văn hóa nêu rõ. Việc thực hành và duy trì thực hành di sản văn hóa phi vật thể phải bảo đảm quyền thực hành di sản văn hóa phi vật thể của chủ thể; giữ gìn các giá trị, biểu đạt, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật, vật thể và không gian liên quan của di sản văn hóa phi vật thể; bảo đảm tính chỉnh thể và liên tục thực hành của di sản; bảo đảm thể hiện, truyền tải đúng bản chất, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
“Việc giới thiệu hay diễn giải di sản tới bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là tới các nhà nghiên cứu khoa học nước ngoài, càng cần phải giới thiệu đúng và đẩy đủ về di sản, nhất là với di sản đã được UNESCO ghi danh, để tránh cung cấp thông tin thiếu chính xác, dẫn tới cách nhìn sai lệch về di sản của Việt Nam” - Cục Di sản văn hóa nêu rõ.
Hoan nghênh việc phát huy, quảng bá di sản; tuy nhiên, nếu không nhận thức đầy đủ sẽ dẫn tới các nguy cơ như làm biến dạng di sản; cung cấp thông tin thiếu chính xác về di sản và giá trị di sản; tạo nhận thức và cách hiểu méo mó về di sản, dẫn tới thái độ ứng xử không phù hợp với di sản.