Đồng chí Tôn Đức Thắng - Hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Ngày 15/7/1960, cụ Tôn Đức Thắng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong giây phút thiêng liêng, xúc động đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước siết chặt tay Bác Tôn và nói lời chúc mừng: “Toàn thể Quốc hội nhất trí bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước, tức là đồng bào miền Nam đều bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước. Điều đó tiêu biểu rằng, nước ta nhất định thống nhất”[1]. Từ đó, bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn trở thành biểu tượng cao đẹp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
92 tuổi đời, hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng và đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (1955), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1960), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969), Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976),… Trong công tác Mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng từng giữ chức Phó Hội trưởng Liên Việt (1946), Quyền Hội trưởng Liên Việt, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Mặt trận Liên Việt (1951), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977). Ở cương vị nào, đồng chí cũng không ngừng chăm lo, xây dựng, vun đắp cho khối đoàn kết toàn dân tộc.
Con đường đến với cách mạng và khởi nguồn hình thành tinh thần đại đoàn kết
Cũng giống như hầu hết những người công nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, Tôn Đức Thắng xuất thân từ giai cấp nông dân trước khi đến với cuộc sống người thợ và sinh viên. Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình nông dân tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Tuổi thơ anh được nuôi dưỡng, bồi đắp bằng truyền thống quê hương cách mạng và những câu chuyện về những tấm gương yêu nước đã thấm sâu vào tâm hồn như: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Dương,... từ thầy Năm Khách.
Năm 19 tuổi, sau khi học xong bậc tiểu học, anh lên Sài Gòn sinh sống và bắt đầu cuộc đời người thợ, khi giai cấp công nhân Việt Nam đang hình thành. Làm việc tại các garage, đềpô tư nhân, rồi Xưởng Krupp thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn, Tôn Đức Thắng đã tận mắt chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của tư bản, thực dân và phát hiện ra sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân. Lòng yêu nước, thương dân thôi thúc, từ đó anh đã tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh, bãi công, bãi khóa của công nhân, sinh viên.
Trong thời gian học tại Trường Bá nghệ (từ tháng 3/1915 đến tháng 9/1916), Tôn Đức Thắng luôn thương cảm với anh em có hoàn cảnh khó khăn, gắn bó với anh em thợ thuyền, tổ chức họ đấu tranh chống bất công, áp bức, bóc lột của bọn tư bản, thực dân. Nhận xét về tính hào hiệp đó, GS. Trần Văn Giàu viết: “Lên Sài Gòn, làm một anh học trò nhỏ, nhỏ con và nhỏ tuổi, Tôn Đức Thắng đã tỏ ra ngay là một cậu bé có năng lực tổ chức và tinh thần đấu tranh. Thắng hay bênh vực kẻ yếu, chống mọi sự hiếp đáp, mọi sự bất bình, tính tình hòa nhã vui vẻ, nên được các bạn mến, lại học giỏi... Lúc còn là học trò Trường Bá nghệ, anh Thắng, người nhỏ thó cúp tóc “cua” (ngắn), nước da ngăm ngăm, biết tổ chức anh em có trật tự để quản lấy mình. Nhỏ nghe lớn, lớp dưới nghe lớp trên, cả trường nghe Thắng…
Tôn Đức Thắng thanh niên là như vậy đó: Tập hợp đứng mũi, chịu sào được tín nhiệm lắm. Khả năng thiên hướng và tài ba nhiều khi xuất hiện từ tuổi trẻ. Chẳng nghe Đinh Bộ Lĩnh tập hợp đám chăn trâu, bẻ bông lau làm cờ, tập đánh trận đó sao?”[2].
Khả năng vận động, tập hợp khối đại đoàn kết của ông được bộc lộ rất sớm từ chính sự lăn lộn, trải nghiệm trong cuộc sống gian khổ, sự gần gũi, thấu hiểu, sự chân thành và đầy nhiệt huyết. Đồng thời, thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng đã giúp ông tích lũy những kinh nghiệm quý báu về công tác vận động, đoàn kết, tập hợp những người bị áp bức để đấu tranh vì công lý và chính nghĩa.
Năm 1920, Tôn Đức Thắng tổ chức và lãnh đạo công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam với tên gọi Công hội bí mật. Công hội được thành lập ở Cảng Sài Gòn, Xưởng Ba Son, Xưởng FACI, Nhà máy đèn Sài Gòn, Nhà máy đèn Chợ Quán, sau phát triển ra các cơ sở khác trong thành phố.
Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đây, đồng chí đã tích cực giác ngộ hội viên Công hội của mình và kết nạp một số người vào Hội Thanh niên và đóng góp quan trọng trong việc phát triển tổ chức Hội ở Nam Bộ.
Ngày 28/7/1929, ông bị địch bắt và một năm sau bị đưa ra đày ở Côn Đảo cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. 17 năm bị địch giam cầm, trong đó 16 năm ở “Địa ngục trần gian”, đồng chí Tôn Đức Thắng đã biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng, tôi luyện ý chí sắt đá, nghị lực phi thường của người cộng sản. Đồng chí đã vận động thành lập Hội những người tù đỏ, là một trong số những người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo, đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời và tồn tại của tờ Ý kiến chung và sau đó là tờ Tiến lên của Chi bộ. Theo dõi và nắm bắt sự chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí trong Đảng ủy Côn Đảo đã tổ chức giành chính quyền bằng biện pháp hòa bình trên đảo. Ngày 23/9/1945, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng 1.800 tù chính trị từ Côn Đảo trở về đất liền để tiếp tục đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng trước âm mưu xâm lược của các thế lực thực dân, đế quốc.
Ngày 15/10/1945, tại Hội nghị cán bộ Đoàn xứ Nam Kỳ họp ở ngoại ô Mỹ Tho, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu vào Xứ ủy và được Xứ ủy phân công phụ trách ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Tháng 12/1945, Xứ ủy họp Hội nghị mở rộng ở Đức Hòa tỉnh Long An quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và thành lập các Khu 7, 8, 9 ở Nam Bộ, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức hậu cần. Tại cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I.
Vị Chủ tịch Mặt trận có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng có 35 năm gắn bó với công tác Mặt trận trên cương vị lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Tháng 2/1946, đồng chí được điều động ra Hà Nội để cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút tất cả mọi cá nhân, đảng phái yêu nước ngoài Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương thành lập một tổ chức Mặt trận mới. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia Ban sáng lập, tích cực chuẩn bị mọi mặt và đóng góp quan trọng cho sự ra đời tổ chức này. Ngày 29/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt). Tính chất và mục đích của Liên Việt được xác định rõ ràng: “Đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và các đồng bào yêu nước vô đảng phái không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, để làm cho nước Việt Nam: độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Hội nghị đã nhất trí suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự; cử cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng; đồng chí Tôn Đức Thắng làm Phó Hội trưởng. Từ đây, những đóng góp của đồng chí với sự nghiệp cách mạng luôn gắn với vai trò là người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Từ sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, do yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Pháp đặt ra phải thống nhất một mặt trận đoàn kết toàn dân tộc. Năm 1948, Đảng ta đã có chủ trương củng cố Việt Minh, phát triển Liên Việt chuẩn bị hợp nhất Việt Minh và Liên Việt. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng Ban vận động thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã xúc tiến lấy ý kiến các cơ quan, đoàn thể, quân, dân, chính đảng, các nhân sĩ, trí thức, các đồng chí phụ trách các bộ, ban, ngành,... chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thống nhất hai tổ chức Mặt trận.
Từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã khai mạc tại Việt Bắc. Đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Đoàn Chủ tịch với cương vị Quyền Hội trưởng Hội Liên Việt và trình bày Báo cáo chính trị. Đại hội đã thông qua nghị quyết thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành một mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt; thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ của Mặt trận; nhất trí việc xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; tán thành Nghị quyết của Hội đồng hòa bình thế giới. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự, cử đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Sau Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp tục tham gia dự Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đóng góp vào việc củng cố khối đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương.
Với tư cách là người đứng đầu Mặt trận Liên Việt từ năm 1950 đến 1955, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt bắt tay ngay vào giải quyết những công tác nhiệm vụ của Mặt trận trong tình hình mới, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam. Miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Trong tình hình mới đòi hỏi phải có một hình thức tổ chức mặt trận mới để đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Hội nghị Trung ương 8 Đảng Lao động Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 20/8/1955 đã xác định: “Nhiệm vụ trước mắt của Đảng ta là phải ra sức tập hợp lực lượng của toàn dân thành một Mặt trận rộng rãi, có một cương lĩnh chung thích hợp để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ và bằng phương pháp hòa bình; đồng thời đấu tranh để củng cố hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh trở lại ở Đông Dương”[3].
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Liên Việt tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội. Từ ngày 5 đến ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua Cương lĩnh, Điều lệ của Mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Là người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 1955 - 1977, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng trong việc tập hợp toàn dân, đoàn kết với nhân dân tiến bộ thế giới, động viên mọi nguồn lực tập trung cho công cuộc khôi phục nền kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đại hội thống nhất ba tổ chức Mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 2/1977 đã suy tôn đồng chí là Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đánh giá rất cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bởi “Sức mạnh đoàn kết toàn dân là sức mạnh vô địch! Sức mạnh đoàn kết toàn dân là sức mạnh chiến thắng!”, “Trên 30 triệu đồng bào chúng ta trong cả nước đoàn kết một lòng là một khối vững chắc như dãy Trường Sơn, có thể đương đầu với mọi phong ba bão táp”[4]. Do đó “vũ khí sắc bén nhất của toàn dân ta là đoàn kết và đấu tranh”, “Đoàn kết là sức mạnh vô địch, bảo đảm chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm. Đó là chân lý sáng ngời rút ra từ kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng trong cuộc đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta”.
Để xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng rộng rãi và vững chắc trước hết phải có “đường lối chính sách thích hợp với quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhận xét: “Chính cương của Mặt trận Liên - Việt là chính cương đoàn kết toàn dân kháng chiến kiến quốc nhằm làm cho nước nhà được hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ. Chính cương đó đã chung đúc, hòa hợp tất thẩy những nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các dân tộc trong đất nước Việt Nam. Hết thảy những nguyện vọng đó, nhân dân Việt Nam quyết phấn đấu tới cùng để thực hiện cho kỳ được.
Do đó mà tình đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất của chúng ta là tình đoàn kết lâu dài thành thật. Chúng ta đã cùng chung nguyện vọng, cùng chung quyền lợi, thì không có gì mà không bàn bạc, thỏa thuận với nhau được. Những thành kiến, nghi ngờ do đế quốc và phong kiến gây ra, đều có thể xóa bỏ; trái lại, tình thân ái, giúp đỡ, nhường nhịn lẫn nhau sẵn có trong nhân dân đều có thể phát triển”[5].
Với Bác Tôn, chính sách đoàn kết trong Mặt trận là để thực hiện mục tiêu cách mạng cụ thể, đồng thời phải giải quyết hài hòa lợi ích của các giai cấp, tầng lớp, trong đó đặc biệt chăm lo đến quyền lợi của quần chúng lao động tạo nền tảng của Mặt trận. Bác nói: “Chính sách Mặt trận của ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến. Không phải liên minh giai cấp suông, mà liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp phải được diễn giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất, là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”[6]. Đoàn kết không phải là tuyệt đối thống nhất một chiều, mà là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, “Song chúng ta tiến hành đấu tranh trong nội bộ Mặt trận dân tộc một cách có lợi, có lý, có chừng mực, đặng chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược”[7].
Theo Bác Tôn, “Chính sách đoàn kết của Mặt trận phải thể hiện đầy đủ trong mọi chủ trương chính sách, trong mọi công tác lớn nhỏ, thậm chí trong việc đối xử với nhau hàng ngày. Toàn thể cán bộ, toàn thể nhân dân cần tự mình nhận rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng khối đoàn kết dân tộc, không xem công tác đó là riêng của các Ủy ban Mặt trận”[8]. Công tác Mặt trận phải được quán triệt trong các ngành, các giới, theo Bác “ở đâu các Đảng bộ các Đảng đoàn, các đồng chí ta chú ý đến chính sách Mặt trận đến công tác Mặt trận, thì ở đấy thường hoàn thành tốt được nhiệm vụ của Đảng, của đoàn thể, của Nhà nước giao cho. Làm trái lại, thì dễ mắc khuyết điểm, sai lầm có khi nghiêm trọng” [9] do vậy cần phê phán các quan điểm xem nhẹ chính sách Mặt trận, xem nhẹ công tác Mặt trận.
Trong công tác Mặt trận, theo Bác Tôn cần phải chú ý thực hiện ba nguyên tắc: (1) Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. “Quyền lãnh đạo của Đảng quyết không thể chia sẻ cho ai và quyết không thể làm lu mờ được. Vì thực tế ở nước ta đã chỉ rõ, chỉ có Đảng của giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Mác - Lênin mới có đường lối cách mạng đúng đắn và kiên quyết dẫn dắt các bạn đồng minh đi tới đích. Đảng ta cần phải liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết chung quanh Đảng, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng hiểu rõ chỉ có tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng và đoàn kết chung quanh Đảng mới giành được thắng lợi”; (2) “Cần phải luôn luôn tăng cường liên minh công nông, dựa vào lực lượng công nông để tranh thủ các tầng lớp nhân dân khác. Nếu không như thế thì việc tranh thủ các tầng lớp trên sẽ gặp khó khăn, hoặc có tranh thủ được, Mặt trận cũng không có cơ sở vững chắc”; (3) “Công tác Mặt trận là một hình thức đấu tranh giai cấp đặc biệt, cho nên đối với các bạn đồng minh, phải vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, đoàn kết để giữ vững Mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn. Không thể đoàn kết một chiều thủ tiêu đấu tranh, cũng không thể đấu tranh vô nguyên tắc để ảnh hưởng xấu đến đoàn kết” [10]. Việc chúng ta thực hiện thành công chính sách Mặt trận đúng đắn do nhiều nguyên nhân, song điểm cốt yếu nhất là có “Đảng của giai cấp công nhân, là Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đã có lập trường dân tộc, lập trường cách mạng đúng đắn nhất”[11].
Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức, dân tộc, tôn giáo, kiều bào… Đến với quần chúng bằng sự gần gũi, thân tình, lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tạo sự gắn kết với quần chúng nhân dân, huy động, quy tụ được sức mạnh của nhân dân đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.
Một nhân cách lớn có sức tập hợp, lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là con người vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị, từ dáng vẻ cho đến phong cách. Dù khi ở cương vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước và Mặt trận, giữa Bác Tôn với quần chúng nhân dân không khi nào có khoảng cách. Khi làm thợ hay trong cảnh tù đày, Bác Tôn luôn đồng cảm, sẻ chia với anh em thợ thuyền và những người cùng cảnh ngộ, ngay cả đối với tù thường phạm cũng được Bác quan tâm, gần gũi và cảm hóa. Bác Tôn hiền hậu nhưng có khí chất hào hiệp “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” của người Nam Bộ. Khi học ở Trường Bá nghệ Sài Gòn, Bác Tôn đã tập hợp sinh viên trừng trị bọn du côn hiếp đáp anh em sinh viên. Ở môi trường nào Bác Tôn cũng được mọi người yêu mến, cảm phục. Bọn cai nhà tù Côn Đảo chỉ định Bác làm cặp rằng ở Hầm xay lúa để mượn tay bọn tù anh chị sát hại. Nhưng Bác Tôn đã phân công, sắp xếp hợp lý công việc cho từng người, không đánh tù, không ép tù làm quá sức và sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm thay bạn tù, lập Hội cứu tế tù nhân để hỗ trợ trong lao động, giúp đỡ bạn tù khi đau ốm. Bác cùng các bạn tù chính trị đã làm thay đổi không khí bạo lực, thù hằn, chết chóc ở Hầm xay lúa, cảm hóa những người tù ở đây.
Bác Tôn là một người vô cùng giản dị, từ ăn, mặc và sinh hoạt. Khi Bác làm đến Phó Chủ tịch nước mà vẫn mặc áo nâu, ăn uống đạm bạc và đi xe đạp. Đồng chí Lê Văn Lương kể: “Cách sống của Bác Tôn là cách sống của một người Công nhân: Giản dị, cần cù. Ngay cả khi ở những cương vị công tác cao, Bác cũng không hề có chút gì cầu kỳ trong sinh hoạt. Với anh em trong cơ quan cũng như với nhân dân, Bác sống chan hòa, gần gũi thân mật như người trong gia đình. Trong những giờ nghỉ trưa, Bác sẵn sàng giúp anh em trong cơ quan chữa chiếc xe đạp hoặc chiếc bàn, ghế hỏng. Bác có một bộ đồ nghề chữa xe và rất hay dùng đến. Biết tính Bác và nể Bác tuổi cao, về sau khi xe hỏng anh em thường giấu Bác, đem đi chỗ khác chữa để Bác khỏi bận tâm”[12].
Bác Tôn là tấm gương sáng quên mình vì nước, vì dân. Sau 15 năm tù đày ở Côn Đảo, khi trở lại đất liền đúng lúc thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Bác Tôn đi thẳng đến Cần Thơ nhận nhiệm vụ mà không kịp qua nhà thăm vợ, con mặc dù chỉ cách Cần Thơ mấy chục cây số. GS. Trần Văn Giàu viết: “Cụ Tôn không phải là một nhà lý luận mà là người tiên phong cách mạng, người mà cả cuộc đời giành cho giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng dân tộc”. “Cụ không có một tác phẩm nào cả, có chăng là chúng ta ghi lại những điều Cụ nói thôi. Tuy nhiên, theo tôi, có thể nói tác phẩm hay nhất của Cụ chính là cuộc đời của Cụ. Cụ Tôn là một người hành động, một người có lẽ không có ý gì muốn để lại cho đời sau bằng tác phẩm của mình. Nhưng thực tế Người đã để lại cho đời sau chúng ta rất nhiều “tác phẩm” bằng hành động, bằng việc làm và những lời nói. Đó là những tác phẩm hay hơn nhiều những bài viết!”[13].
Một chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế
Tháng 9/1916, Tôn Đức Thắng bị chính quyền thuộc địa bắt đi lính thợ sang Pháp. Cùng với các lính thợ khác, ông đã đến cảng Madeille rồi quân cảng Toulon. Tại đây, ông bắt đầu nhận việc trên chiến hạm France. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xôviết do Đảng Bônsêvích lãnh đạo ra đời. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các đế quốc Anh, Pháp, Mỹ liên minh với nhau, hòng tiêu diệt chính quyền Xôviết non trẻ. Ngày 27/10/1918, Chính phủ Pháp ra lệnh điều động chiến hạm, phối hợp với các nước đế quốc khác bao vây, bắn phá vào thành thị và làng mạc Nga trên bờ biển Odessa và Sevastopol thuộc Ukraina. Ngày 20/4/1919, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng với những người bạn đã tổ chức kéo cờ đỏ trên Chiến hạm France ở Biển Đen để phản đối chiến tranh của Pháp với Nga và thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Nga. Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga bằng hành động cụ thể và anh cũng là người đem sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng đó về nước[14].
Năm 1925, thực dân Pháp điều động một đoàn tàu chiến gồm các tàu Michelet, Ferry, Maine để đàn áp phong trào cách mạng ở Trung Quốc. Trên đường đi tàu Michelet bị hỏng và được đưa vào Xưởng Ba Son để sửa chữa. Để ủng hộ cách mạng Trung Quốc, Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo Công hội tổ chức anh em công nhân Ba Son bãi công từ ngày 5/8/1925 đến khi phong trào đấu tranh của công nhân và thủy thủ Trung Quốc đã kết thúc thắng lợi thì Chiến hạm Michelet mới hoàn tất việc sửa chữa vào ngày 28/11/1925.
Với vai trò là Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Việt - Xô hữu nghị, ông đã có rất nhiều hoạt động góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và mở rộng đoàn kết quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các dân tộc bị áp bức và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình thế giới, ngày 9/12/1955, Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin (giải thưởng này sau mang tên Lênin) của Liên Xô quyết định trao tặng đồng chí Giải thưởng Stalin “Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc”. Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười, Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết đã trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Lênin ghi nhận những đóng góp vào cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xôviết trong thời kỳ nội chiến và xây dựng tình hữu nghị Việt - Xô.
Trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách lớn đã làm nên sức hút mạnh mẽ của Bác Tôn đối với quần chúng, để từ đó tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức quần chúng chiến đấu, lao động và học tập. Di sản tinh thần vô giá mà bác Tôn để lại có ý nghĩa to lớn đối với đất nước, với dân tộc. Theo đồng chí Phạm Văn Đồng đó là: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh túy của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng. Đó là chất cách mạng tinh khiết không gì làm phai nhạt được, từ thuở thanh niên đến cuối đời vượt qua muôn trùng thử thách, ngày càng ngời lên vẻ đẹp đẽ và cao quý”[15].
CHÚ DẪN
[1] Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ An Giang: Bác Tôn (1888-1980) cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, tr. 180.
[2] Sở Văn hóa và Thông tin An Giang: Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), 1988, tr.81, 82.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.16, tr.571-572.
[4] Tôn Đức Thắng: “Chung sức, chung lòng với đồng bào miền Nam” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.724.
[5] Tôn Đức Thắng: “Diễn văn trong Lễ kỷ niệm ngày thống nhất Việt Minh - Liên Việt” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.633.
[6] Tôn Đức Thắng: “Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.602.
[7] Tôn Đức Thắng: “Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.602.
[8] Tôn Đức Thắng: “Trách nhiệm chung” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.671-672.
[9] Tôn Đức Thắng: “Vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.716.
[10] Tôn Đức Thắng: “Vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.716.
[11] Tôn Đức Thắng: “Ba mươi năm xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng” in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.702
[12] Lê Văn Lương: “Kỷ niệm về Bác Tôn”, in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.228.
[13] GS. Trần Văn Giàu: “Cụ Tôn đã để lại cho chúng ta “Tác phẩm cuộc đời””, in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.306.
[14] GS. Trần Văn Giàu: “Cụ Tôn đã để lại cho chúng ta “Tác phẩm cuộc đời””, in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.301.
[15] Phạm Văn Đồng: “Bác Tôn - Nhà cách mạng bất tử”, in trong sách Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.211.