Lá chắn xanh nơi cửa biển
Hệ thống rừng sú vẹt ngập mặn dọc đê biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) được người dân ví như tấm “lá chắn xanh” bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, dưới những tán rừng, dưới lớp sình lầy là nguồn sản vật thiên nhiên giúp hàng trăm hộ dân mưu sinh.
Mỗi ngày kiếm nửa triệu đồng
Khoảng 5h sáng, bà Nguyễn Thị Thanh, trú xóm 6, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) thức dậy, đi gọi 3 “đồng nghiệp” gần nhà để chuẩn bị xe, đi phà qua xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) để mò ngao đất. Trước khi đi, họ không quên mang theo những hộp cơm và thức ăn đã được chuẩn bị từ tối hôm trước. Sau 25km đi đường, nhóm 4 người của bà Thanh đã có mặt tại khu vực rừng sú vẹt tại xã Kim Đông. Thời điểm này, nước thủy triều đã rút, mọi người nhanh chóng mở đồ nghề gồm xô, bao tải, túi lưới… rồi tiến vào sâu bên trong các cánh rừng để bắt ngao.
Theo bà Thanh, sau nhiều lần huyện Kim Sơn quai đê lấn biển, diện tích đất trồng rừng ngập mặn cứ thế tăng lên và từ đó, dưới những tán rừng có thêm nhiều cua, rạm, ngao đất… nên người dân đến đây để đào bắt. “Nghề này đi nhiều thành quen, ban đầu rất cực nhọc nhưng làm nhiều sẽ có kinh nghiệm. Cuộc sống trông vào mấy sào lúa chẳng đủ ăn nên tranh thủ thời gian nông nhàn, chị em rủ nhau vào rừng ngập mặn mưu sinh, kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Công việc không phải đầu tư vốn, dụng cụ lại thô sơ, chỉ cần có sức khỏe, làm chăm chỉ thì mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày. Hôm nào may mắn, săn được thêm cua, hàu biển, có thể kiếm cả triệu đồng luôn đấy” - bà Thanh kể.
Sau thời gian miệt mài dưới những tán cây, nhóm của bà Thanh vác những bao ngao nặng ra khỏi khu rừng, đặt ở ven con mương để sục rửa. Đến 12h cả nhóm nghỉ tay ăn trưa rồi lại quay về cánh rừng.
Tới gần cuối giờ chiều khi công việc hoàn tất, mỗi người vác 2 bao tải ngao ra bờ mương sục rửa, sau đó vác lên bờ, chờ thương lái tới thu mua. Chỉ mất 10 phút chờ đợi, một thương lái quê Nam Định đi xe lôi tới, cân từng bao ngao rồi đưa lên xe.
Theo bà Thanh, hiện giá ngao đất bán tại chỗ là 10.000 đồng/kg, với 50 - 60kg ngao mò được trong ngày, mỗi chị em được 500.000 - 600.000 đồng. Thời điểm có nhiều ngao đất nhất là từ tháng 6 đến cuối năm. Công việc mò ngao phụ thuộc vào chu kỳ lên xuống của thủy triều nên thời điểm đi làm không cố định, lúc thì đi từ 5h sáng, lúc thì từ 11h trưa.
“Việc này cực nhọc, lại tiềm ẩn nguy hiểm, có thể rách tay, rách chân nếu không may đụng phải vỏ hàu. Ngoài mò ngao đất, đôi khi chúng tôi còn bắt được thêm cua, cá, tôm… Công việc này tuy rất vất vả nhưng đổi lại cho thu nhập xứng đáng” - bà Thanh tâm sự.
Không đi mò ngao đất như nhóm của bà Thanh, bà Phạm Thị Hoa (trú xóm 4, xã Kim Đông) chọn cánh rừng sú vẹt có nhiều cáy, cá nhệch, tôm, rạm biển để săn vào thời điểm chập tối. Bà Hoa cho biết, dụng cụ đi “săn” chỉ cần có xô nhựa, ủng, găng tay và một chiếc đèn pin. Tùy theo chiều con nước, việc săn bắt có thể bắt đầu từ chập tối cho đến đêm hoặc có thể từ giữa đêm cho đến sáng sớm ngày hôm sau, vừa kịp lúc họp chợ. Sau một đêm, bà Hoa có thể bắt được khoảng 8kg cáy. Với giá bán ở chợ vào khoảng 40.000 đồng/kg, cho thu nhập gần 400.000 đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc thu lợi từ nguồn hải sản, bắt con tôm, con cáy dưới lớp bùn, nguồn sinh kế của cánh rừng ngập mặn nơi đây mang lại còn nhiều hơn thế, đó là nơi để cho các loài chim làm tổ, loài ong lấy mật. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, trú xóm 6, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) chia sẻ: Từ việc tận dụng mùa hoa cây sú, vẹt nở hằng năm, gia đình đã đầu tư hơn 100 đàn ong để khai thác phấn hoa. “Bình quân, cứ 7 ngày tôi quay mật ong 1 lần, mỗi lần quay hơn 100 đàn ong, 1 tháng có thể thu về gần 300 kg mật. Với giá mật ong hiện tại ở mức từ 60.000 - 70.000 đồng/lít, trừ mọi khoản chi, mỗi tháng tôi có thể kiếm được trên 15 triệu đồng” - ông Ánh tâm sự.
“Lá chắn xanh” bảo vệ người dân
Với tổng diện tích 614,35 ha rừng ngập mặn, vùng ven biển huyện Kim Sơn đã được che chắn bởi một “bức tường” từ thiên nhiên để giảm ảnh hưởng của ngập lụt, sóng, gió mạnh. Nhờ vậy, người dân vùng ven biển có thể yên tâm trước những trận bão lũ. Đi dọc các xã vùng ven biển của huyện là bạt ngàn cánh rừng sú, vẹt cao từ 3-5m, có tuổi đời hàng chục năm tuổi đứng vững vàng, xanh tốt trước biển cả bao la. Bà Nguyễn Thị Hoa (một cư dân sinh sống tại vùng ven biển Kim Sơn) nhớ lại: Trước kia, bà con sống ở gần khu vực ven biển luôn lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về. Khi đó, nước thủy triều dâng cao đã nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu, ao nuôi các loại thủy sản, hải sản, có nhà phải đi sơ tán. Kể từ năm 2004, được Nhà nước quan tâm, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã hỗ trợ địa phương trồng cây sú, vẹt để ngăn sóng, gió biển nên giờ dân làng đã an tâm hơn khi có một “lá chắn xanh” bảo vệ.
Lợi ích của hơn 600 ha rừng ngập mặn không chỉ nằm dưới lớp bùn lầy, và tồn tại nơi tán rừng vào mỗi mùa hoa nở. Giá trị to lớn hơn cả, đó là cánh rừng giống như một bước tường thành vững chắc, bảo vệ làng mạc, bảo vệ tài sản cho hàng nghìn hộ dân ở nơi này. Hàng trăm hộ dân phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng thủy sản, trước đây luôn canh cánh nỗi lo mỗi khi nước biển dâng, mưa lũ về sẽ cuốn phăng tất cả thì nay họ đã yên tâm hơn.
Tại rừng ngập mặn Kim Sơn, hiện nay có hàng trăm loài chim cư trú, trong đó nhiều loài di cư, hơn 50 loài chim nước mặn và nhiều loài quý hiếm ghi trong sách đỏ. Sinh cảnh, thiên nhiên đa dạng, phong phú nên khu rừng ngập mặn Kim Sơn - Cồn Nổi được UNESCO công nhận là vùng dự trữ sinh quyển thế giới.
Ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong những năm vừa qua, địa phương đặc biệt quan tâm đến các giải pháp bảo vệ, khôi phục và quản lý bền vững rừng ngập mặn ở huyện Kim Sơn. Việc có rừng ngập mặn giúp phát huy hiệu quả, vai trò, chức năng trong việc phòng hộ, bảo vệ các tuyến đê biển; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải hiệu ứng khí nhà kính. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.