Giảm gánh nặng sách giáo khoa
Trước thềm năm học mới, câu chuyện sách giáo khoa lại tiếp tục làm nóng dư luận khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đánh giá của Đoàn giám sát, giá sách giáo khoa hiện quá cao. Đáng lưu ý, hiện tượng chiết khấu cao để tăng giá sách đang gây bức xúc trong dư luận.
Với những lùm xùm xung quanh sách giáo khoa (SGK), không ít ý kiến cho rằng cần giảm giá sách hoặc chỉ nên dùng một bộ SGK chung cho cả nước để có thể sử dụng lâu dài, từ đó sẽ giảm gánh nặng giá sách và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Vẫn loay hoay
Từ năm 2020, theo lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với từng cấp học, việc thay SGK mới bắt đầu được thực hiện, ở mỗi khối lớp đều có ít nhất 3 bộ SGK để các nhà trường, phụ huynh chọn lựa. Đến năm học 2023-2024, việc thay sách ở cấp tiểu học đã thực hiện đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11.
Tưởng chừng như có nhiều bộ sách thì sẽ có thêm nhiều lựa chọn, tuy nhiên chọn bộ SGK nào cho phù hợp lại đang bộc lộ nhiều bất cập. Hiện mỗi địa phương, thậm chí mỗi trường chọn một kiểu khiến phụ huynh “chạy theo” mướt mồ hôi. Đã vậy giá sách lại tăng gấp 2 - 4 lần giá cũ do mức chiết khấu từ các nhà xuất bản lên tới 30% . Bởi vậy, dù năm học mới cận kề, phụ huynh, học sinh vẫn loay hoay chờ sách, tìm sách.
Theo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo Chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2021-2022 với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, chiết khấu với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. "NXB Giáo dục Việt Nam trực thuộc sự quản lý của Bộ GDĐT chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, chi phí phát hành cao, giá SGK khá cao", Đoàn giám sát nêu trách nhiệm của Bộ GDĐT.
Theo ghi nhận, đến thời điểm này, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa có SGK dù phụ huynh đã chuyển số tiền 334.000 đồng mua sách cho nhà trường từ ngày 7/7. Anh Phạm Huy Dũng, ngõ 4 phố Phương Mai lo lắng: Con tôi rất muốn tìm hiểu trước kiến thức mới trước năm học nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được sách. Không biết phía nhà xuất bản có kịp in sách phục vụ năm học mới hay không?
Anh Dũng chia sẻ, rút kinh nghiệm từ năm học trước do không đăng ký mua sách với nhà trường, anh ra mua sách tại các đại lý bán lẻ, chạy đôn đáo mấy nơi mới mua đủ sách cho con. Nhưng đăng ký mua tại trường thì vẫn chưa thấy sách đâu.
Nhiều phụ huynh khác cũng phát sốt vì lo sách cho con. Tại cửa hàng sách trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội), chị Nguyễn Vân Anh có con học lớp 11 đang nhờ nhân viên tìm SGK theo danh mục nhà trường yêu cầu, chị cho hay: Nhà trường có thông báo để phụ huynh đăng ký mua sách, nhưng nếu mua cả bộ tại trường sẽ kèm theo rất nhiều sách bài tập, sách tham khảo mà con không sử dụng tới. Cứ cuối năm là hàng chục cuốn vẫn còn mới nguyên không dùng đến, thật lãng phí. Vì thế năm nay tôi chủ động đi mua sách cho con.
Theo dõi thông tin liên quan tới SGK được phản ánh qua báo chí những ngày gần đây, chị Ngô Bích Hà, ngõ 97 Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 2 con đang ở tuổi đến trường bày tỏ: Tôi thấy Quốc hội yêu cầu Bộ GDĐT phải có thêm bộ SGK là rất hợp lý. Các bộ SGK hiện nay giá rất cao tác động đến hàng triệu phụ huynh có con đi học. Nói xã hội hóa SGK mà cứ tăng giá sách lên gấp 3 - 4 lần là không ổn. Thêm một bộ sách do Nhà nước tài trợ giá kéo giá sách giảm sẽ rất ý nghĩa, đặc biệt là với những gia đình còn khó khăn.
Theo cô Lữ Thanh Huyền - giáo viên một trường THPT tại huyện Bắc Quang (Hà Giang), tại vùng sâu vùng xa, nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, giá sách quá cao tác động trực tiếp tới các gia đình, khiến con đường tới trường của các em càng thêm khó.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn không hiểu tại sao vấn đề SGK lại rối đến thế, giáo viên và học sinh như lâm vào "ma trận", dù các bộ sách, kiến thức biên soạn cũng chỉ xoay quanh những nội dung cơ bản. Câu hỏi đặt ra là từ lớp 1 đến lớp 12 học sinh được dạy những kiến thức cơ bản thì cần gì phải nhiều bộ sách, trong khi nội dung cốt lõi không có gì thay đổi. Vậy tại sao chúng ta không quy về một bộ sách?
Bất cập từ nhiều bộ sách
Trở lại câu chuyện mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) SGK theo chương trình mới. Nội dung này được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra khi thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông".
Trong đó, Đoàn giám sát nêu rõ, việc lựa chọn nhiều bộ SGK tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng SGK trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại SGK khó tiếp cận kiến thức. Với việc cung ứng, phát hành SGK, Đoàn giám sát chỉ ra nhiều bất cập khi phải qua nhiều khâu trung gian. Tình trạng thiếu SGK diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trước thềm năm học mới. Phụ huynh, học sinh gặp nhiều phiền phức trong việc mua SGK theo kênh phát hành tự do qua hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Đáng chú ý, Đoàn giám sát cho rằng, Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, đã có 36 tỉnh, thành đề nghị nên có 1 bộ SGK để sử dụng chung.
Là người gắn bó với giáo dục nhiều năm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, cho biết ông từng trải qua các thời kỳ cải cách giáo dục nhưng chưa bao giờ thấy bỏ qua khâu thử nghiệm, thực nghiệm trước khi triển khai rộng rãi như lần cải cách này. “Một chương trình nhiều bộ SGK nhưng qua thực tiễn cho thấy nhiều bộ giống nhau đến hơn 90%. Điều khác là có sách xếp nội dung này đầu năm, sách khác xếp cuối năm hoặc giữa năm. Cần phải xem xét, những môn như: Thể dục, Âm nhạc… có nhất thiết phải có nhiều SGK hay không. Năm nào học sinh cũng mua mới SGK, số tiền 200 - 300 ngàn đồng đối với nhiều gia đình cũng là rất khó. Vậy nên cần phải có cách làm để tái sử dụng SGK, không nên chỉ dùng một lần rồi bỏ đi, rất lãng phí”, ông Trần Xuân Nhĩ phân tích.
Liên quan tới các đơn vị xuất bản chiết khấu đẩy giá sách ngày càng cao, ông Trần Xuân Nhĩ không đồng thuận với việc trao quyền cho các địa phương chọn sách thay vì giáo viên. Cách làm đó khiến các nhà xuất bản chạy đua, tính toán đủ cách làm sao để các hội đồng quyết định chọn sách của mình. Chiết khấu cao (có khi tới 35%) đã đẩy giá SGK lên cao.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cũng bày tỏ tâm tư khi cho rằng trong giáo dục, xã hội hóa nếu không thận trọng sẽ thành thương mại hóa. Như câu chuyện giá SGK, sách tham khảo hiện nay giá quá cao, quá nhiều loại là có dấu hiệu thương mại hóa. Ông chia sẻ câu chuyện đi họp phụ huynh cho cháu mà thấy khổ vì phải mua rất nhiều sách. “SGK dùng năm nay, năm sau bỏ đi trong khi trước đây một cuốn sách dùng cho bao thế hệ. Đất nước ta còn nghèo. Cần xem đến nơi đến chốn vai trò chỉ đạo của Bộ GDĐT về vấn đề này”, ông Túc nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, SGK là nền tảng giáo dục cơ bản của xã hội, việc có một bộ SGK chuẩn chung là rất quan trọng. Việc nhũng nhiễu trong vấn đề cung cấp và sản xuất bản SGK là không thể chấp nhận. Do đó cần sớm thanh tra việc tổ chức biên soạn, duyệt và tỉ lệ chiết khấu SGK một cách nghiêm túc và toàn diện.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT): Cần 1 bộ sách giáo khoa được tiêu chuẩn hóa
Tôi ủng hộ quan điểm Bộ GDĐT nên chủ trì biên soạn 1 bộ SGK tiêu chuẩn cốt lõi, còn sách của các đơn vị khác sẽ theo cơ chế thị trường, tức là thầy cô và học sinh nếu muốn thì có thể tham khảo thêm ngoài bộ SGK tiêu chuẩn cốt lõi. Khi có bộ SGK do Bộ GDĐT chủ trì biên soạn sẽ đảm bảo tính nhất quán. SGK được tiêu chuẩn hóa đảm bảo một chương trình giảng dạy nhất quán giữa các trường và lớp học trên cả nước. Điều này giúp duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất và giảm sự chênh lệch về kết quả học tập.
Nên có một bộ SGK chuẩn bản quyền, còn các bộ SGK khác chất lượng như thế nào sẽ để thị trường tự lựa chọn. Việc tồn tại hỗn hợp như vậy theo tôi là tốt hơn. Ngoài ra, với bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn tiêu chuẩn hóa, có thể được cung cấp cho tất cả các trường học và đảm bảo rằng tất cả học sinh đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng bất kể vị trí địa lý hoặc tình trạng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn có thể hỗ trợ của giáo viên trong việc giảm bớt gánh nặng tìm kiếm các nguồn thông tin đáng tin cậy và cũng giúp họ tập trung vào các chiến lược giảng dạy hiệu quả. SGK được tiêu chuẩn hóa có thể phù hợp với các đánh giá được tiêu chuẩn hóa, giúp việc kiểm tra, đánh giá tiến bộ của học sinh khách quan, công bằng trên diện rộng dễ dàng hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Giá sách nhảy vọt là do chiết khấu cao
Nhìn chung SGK phát hành ra đều có mức chiết khấu cao, thậm chí có đầu sách lên tới 35%. Mức chiết khấu cao đương nhiên sẽ làm giá SGK nhảy vọt theo. Tôi cho rằng, nếu sách mang lên đầu kệ mới có các chi phí vận chuyển, phân phát về các nhà sách địa phương và đặt lên kệ, mất thêm chi phí cho nơi bán… thì chấp nhận. Còn với SGK, số sách lên kệ rất ít. Vậy, tại sao phải chiết khấu cho hệ thống phân phối, phát hành nhiều thế. Hiện nay, từ tiểu học đến trung học phổ thông đều đang thực hiện đăng ký sách cho học sinh vào cuối năm, loại gì, bao nhiêu cuốn. Theo đó, nhà trường tập hợp đăng ký lên sở, sở đăng ký thẳng vào nhà xuất bản, không rõ chi phí gì mà lắm thế. Mức chiết khấu đó phải xem xét lại.
Cần khẳng định SGK là công cụ phục vụ cho nhu cầu đào tạo, nhu cầu giáo dục của đất nước. Tôi nghĩ Bộ GDĐT cần phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách. Đây là giải pháp quản lý giá, giảm mức chiết khấu phát hành SGK. Tuy vậy mức giá này cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân, nhưng cũng phải tương xứng với những chi phí của nhà xuất bản.