Nối đôi bờ vui bằng cầu phao Triệu Độ
Việc đi lại của người dân tại xã Triệu Độ và nhiều xã lân cận đến TP Đông Hà (Quảng Trị) trở nên thuận lợi nhờ có cây cầu phao do 5 người đàn ông ở đây góp vốn xây nên.
Hơn 20 năm qua, cầu phao Triệu Độ (bắc qua sông Thạch Hãn đoạn xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thuộc với bao thế hệ người dân vùng lân cận.
Cây cầu đã giúp quãng đường đi lại giữa các xã Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Phước, Triệu Trạch, Triệu Vân và Triệu An (huyện Triệu Phong) đến TP Đông Hà rút ngắn được hàng chục km.
Theo đó, cây cầu này do 5 người dân cùng trú tại xã Triệu Độ gồm các ông: Phan Khắc Minh, Lê Đình Uynh, Lê Quý, Trương Đình Duệ và Lê Đình Diện góp tiền xây dựng nên.
Kể lại ý tưởng xây dựng cầu phao, ông Phan Khắc Minh cho hay, khoảng năm 2000, sau khi biết một người đàn ông tại Quảng Bình xây dựng cầu phao giúp người dân địa phương đi lại thuận lợi hơn, ông đã cất công đến tận nơi để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.
Trở về sau chuyến đi, ông Minh tìm đến 4 người còn lại để thống nhất về việc góp tiền xây dựng cầu phao. Tiếp đó, 5 người lặn lội ra tận Hà Nội để xin phép Cục Đường thủy nội địa về việc xây cầu.
Tấm thịnh tình của 5 người đàn ông đã thuyết phục được Cục Đường thủy nội địa và nhận được sự hỗ trợ của đơn vị này trong việc khảo sát, thiết kế cầu. Sau hơn 1 năm hoàn tất hồ sơ, cây cầu được xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2002 với chiều dài khoảng 190m.
“Ban đầu chúng tôi dự tính chi phí xây dựng cầu là 750 triệu đồng; tuy nhiên, khi hoàn thành vốn đã đội lên thành 1,2 tỷ đồng. Lúc đó mỗi nhà chúng tôi phải đóng 270 triệu - một số tiền rất lớn thời điểm đó. Để có đủ tiền, chúng tôi phải mang sổ đỏ thậm chí mượn thêm cả sổ đỏ của người thân để đi thế chấp vay ngân hàng”, ông Minh kể lại.
Về việc thu hồi vốn, ông Minh cho biết, 5 gia đình sẽ thay phiên nhau cắt cử 2 người/ngày túc trực tại cầu 24/24 để đảm bảo an toàn và tiến hành thu vé người qua lại. Hiện nay, bảng giá vé được chia thành nhiều mức gồm: xe kéo có tải 7.000 đồng/lượt, xe kéo không tải 5.000 đồng/lượt, xe máy 3.000 đồng/lượt, xe đạp và người đi bộ 1.000 đồng/lượt.
Sau gần 20 năm hoạt động ổn định, đến năm 2020, cầu phao Triệu Độ bị xóa sổ hoàn toàn bởi lũ lụt. “Nói thực, thời điểm này đã có cầu Đại Lộc (tại xã Triệu Thuận) và có thông tin sắp xây dựng cầu bắc qua sông Thạch Hãn ngay tại xã Triệu Độ, thêm nữa, chúng tôi ai cũng đã lớn tuổi nên 3 trong số 5 người nản chí đòi bỏ cuộc. Tôi nói với họ: “Cầu mình làm, đường mình đi, quê mình ở mà giờ không có nó nữa thì hụt hẫng lắm”. Nhờ đó, anh em quyết chí làm lại và năm 2021 cầu phao được xây mới lại hoàn toàn”, ông Minh kể chuyện làm lại cầu.
Do bị ảnh hưởng của sạt lở, cây cầu mới có chiều dài lên đến 300m và có tổng mức đầu tư 2,750 tỷ đồng. Ông Minh dự kiến, khoảng 7 năm sau mới thu hồi đủ số vốn đã bỏ ra và lần đầu tư này khả năng cao 5 hộ dân sẽ bị lỗ bởi dự án cầu qua sông Thạch Hãn ngay tại xã Triệu Độ đang được triển khai.
Dẫu vậy, theo ông Minh, ở độ tuổi của ông và 4 thành viên còn lại, việc lời lãi, tiền nong đã không còn là thứ cốt yếu mà thay vào đó những đóng góp, những dấu ấn mình để lại cho quê hương, cho mảnh đất còn nhiều khó khăn này mới là thứ họ quan tâm hơn cả.
“Khoảng 1, 2 năm nữa thôi cầu qua sông Thạch Hãn kia sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Lúc đó, người ta sẽ không còn đi lại bằng cầu phao Triệu Độ nữa. Nêu cầu phải dở bỏ, chúng tôi sẽ nhớ nó vô cùng”, ông Minh chia sẻ.
Nói về cầu phao Triệu Độ, ông Nguyễn Ty (67 tuổi, trú tại xã Triệu Độ) cho hay, cầu phao Triệu Độ từng là niềm tự hào của người dân trong vùng. Giờ đây, khi nhiều cây cầu bê tông cốt thép được xây dựng bắc qua sông Thạch Hãn, nhưng với họ, cầu phao Triệu Độ vẫn là hình ảnh thân thuộc, gần gũi hơn cả.
Bà Trương Thị Kim Cúc - Chủ tịch UBND xã Triệu Độ cho hay, cầu phao Triệu Độ đã mang lại sự thuận lợi cho người dân tại các xã Độ - Đại - Phước - Trạch - Vân - An trong một quãng thời gian dài. Đến nay, dù nhiều lựa chọn trong việc lưu thông đến TP Đông Hà hay những khu vực khác trong tỉnh, tuy nhiên, cầu phao Triệu Độ vẫn là một lựa chọn hàng đầu của người dân nơi đây bởi sự thuận tiện và thân thuộc của nó.