Nỗi lo sạt lở núi mùa mưa bão
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 2.600 hộ dân thuộc 6 huyện miền núi có nguy cơ đối diện với tình trạng bị sạt lở đất, đá cần được ưu tiên di dời. Những nơi này thường xuyên bị chia cắt khi xảy ra lũ lụt khiến người dân nơi đây lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.
Như tình trạng sạt lở ở núi Vang Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà) diễn ra hết sức phức tạp đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì thế mùa mưa bão này lại khiến bà con càng lo lắng. Mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây là được di dời đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn tính mạng, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Đinh Ang (ở tổ dân phố làng Dầu) cho biết: Vào mùa mưa năm 2021, sạt lở núi làm nứt chân tường nhà, làm sập chuồng nuôi gia súc của gia đình tôi. Tháng 12/2022, sau trận mưa lớn, núi Vang Cà Vãi tiếp tục bị sạt lở mạnh, đất, đá từ trên cao tràn xuống phá hỏng toàn bộ công trình phụ gồm nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh. Sạt lở khiến bên hông tường ngôi nhà chính xuất hiện vết nứt dài rất nguy hiểm. “Nếu di chuyển đến nơi ở mới thì gia đình tôi không có đất sản xuất và kinh phí để làm nhà. Còn nếu ở lại, cả gia đình luôn sống trong cảnh bất an” - ông Ang nói.
Còn bà Trần Thị Thọ (tổ dân phố làng Dầu) chia sẻ: Mỗi mùa mưa tới ở dưới chân núi Vang Cà Vãi bà con rất lo lắng, đêm đêm không ngủ được, vì mưa, lũ, sạt lở núi ập đến lúc nào không ai có thể biết trước để di tản kịp thời. Bà con rất mong muốn chính quyền địa phương sớm có phương án di dời người dân đến nơi tái định cư an toàn ổn định đời sống, sản xuất.
Đó cũng là những ý kiến, tâm tư của người dân đang sinh sống ở khu vực này. Vì thực chất sạt lở núi Vang Cà Vãi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bà con nơi đây.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Di Lăng, tổ dân phố làng Dầu có 7 hộ dân với 21 nhân khẩu. Trước tình trạng sạt lở núi Vang Cà Vãi, huyện Sơn Hà đã tổ chức san ủi, tạm thời khắc phục điểm có nguy cơ sạt trượt từ đỉnh núi. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở mới tiếp tục xảy ra. Hiện khu dân cư làng Dầu được cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, một số nhà ở của người dân bị sập do sạt lở núi từ những mùa mưa trước chưa được khắc phục. Mùa mưa phải di chuyển bà con đến nơi ở tạm an toàn.
Ông Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng cho biết: Trên địa bàn thị trấn có 3 khu vực nguy cơ sạt lở đất cao, đó là là khu dân cư làng Bồ, đồi Gu và núi Vang Cà Vãi. Hàng năm, vào mùa mưa chính quyền địa phương phải di dời người dân đến tránh trú ở các trường học, nhà văn hóa cộng đồng. Hiện đồi Gu và núi Vang Cà Vãi đã được đầu tư kinh phí san gạt một bên núi khắc phục tạm thời nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến phức tạp, chưa thật sự đảm bảo an toàn cho bà con nếu ở lại sinh sống nơi đây, nhất là mùa mưa bão.
Trước tình hình này, bà Đinh Thị Trà - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, hiện tại UBND huyện đã báo cáo với các ngành chức năng của tỉnh đề xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời chính quyền huyện Sơn Hà cũng đã thống kê các điểm có nguy cơ sạt lở núi trên địa bàn huyện để xây dựng phương án di dời người dân đến nơi ở mới an toàn.
Tại Quảng Ngãi tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra ở núi Vang Cà Vãi mà còn nhiều nơi khác, như tại tổ 2, thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ. Thời gian qua, núi Cà Mon có vết nứt ngày càng dài và rộng, khiến người dân ở dưới chân núi phải sống trong cảnh bất an. Năm 2019, khi núi Cà Mon bị sạt lở, người dân nơi đây đã kiến nghị chính quyền hỗ trợ giúp di dời bà con đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống.
Theo ông Phạm Văn Vôn - Chủ tịch UBND xã Ba Xa, hàng năm vào mùa mưa, xã đã vận động các hộ dân đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn vì ở trong vùng có nguy cơ sạt lở. Địa phương cũng mong muốn cấp trên đầu tư khu tái định cư để bố trí cho 25 hộ dân, trong đó tổ 2 có 11 hộ và tổ 1 có 14 hộ để các hộ dân có chỗ ở an toàn nhất là mùa mưa bão sắp đến.
Ông Phạm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, toàn huyện Ba Tơ có 14 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, nhưng các điểm này cơ bản đã có phương án cũng như kế hoạch sơ tán người dân đến nơi ở an toàn trong mùa mưa bão. Riêng chỗ sạt lở núi Cà Mon thì HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết giao cho Ban quản lý dự án huyện xây dựng dự án làm khu tái định cư để bố trí chỗ ở mới cho người dân thôn Nước Lăng.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có công văn số 3087 gửi các sở, ban, ngành liên quan cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Tại Công văn số 3087 gửi các sở, ban, ngành, UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, chủ động kiểm tra, đôn đốc việc triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở theo chức năng nhiệm vụ được giao; Tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban; chế độ thông tin báo cáo, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác trực ban khi có thiên tai xảy ra”.