Giáo viên, học sinh Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du về thăm quê hương Bác Hồ
Trong chuyến thăm, giao lưu tại Việt Nam, sáng ngày 21/8 đoàn đại biểu giáo viên và học sinh tiêu biểu Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du do bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã đến thăm, dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An).
Tham dự chương trình có ông Đặng Thanh Phương, Phó Trưởng ban Đối ngoại Kiều bào (UBTƯ MTTQ Việt Nam), ông Trương Thiết Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An.
Đoàn đại biểu gồm có 37 người là những học sinh tiêu biểu, là con em kiều bào và người Lào đại diện cho hơn 1.000 học sinh đang theo học tại Trường song ngữ Lào - Việt Nguyễn Du.
Tại Khu di tích đặc biệt Kim Liên, đoàn giáo viên, học sinh tiêu biểu Trường song ngữ Lào - Việt Nguyễn Du đã thành kính dâng hoa, thắp nén hương tưởng nhớ Bác Hồ. Đồng thời, báo công với Bác Hồ những kết quả mà cô, trò Trường song ngữ Lào - Việt Nguyễn Du đạt được trong năm học vừa qua.
Theo đó, Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du tiền thân là hai trường tiểu học Nguyễn Du I và Nguyễn Du II dành cho con em Việt kiều tại thủ đô Vientiane, Lào.
Học sinh của nhà trường vừa được học chương trình phổ thông của Lào, vừa được học tiếng Việt để luôn ghi nhớ cội nguồn của văn hóa nghìn năm văn hiến, lịch sử lâu đời và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Năm 2005, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí hơn 500.000 USD để xây dựng một ngôi trường mới với quy mô 2 tòa nhà 3 tầng có 39 phòng học trên khu đất rộng 10.379 m2 do Chính phủ Lào cấp, đến năm 2008 thì hoàn thành.
Từ đó đến nay, trường ngày càng phát triển và trưởng thành về mọi mặt với đội ngũ 66 cán bộ, giáo viên và 1.071 em học sinh. Trong đó, học sinh là con em người Việt, gốc Việt chiếm khoảng 30%, số còn lại là học sinh người Lào.
Năm học 2021-2022, nhà trường vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chọn làm Trường thí điểm dạy song ngữ Lào - Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 12 nhằm nhân rộng mô hình đào tạo này trên khắp đất nước Lào, giúp cho thế hệ trẻ của Lào hiểu sâu sắc thêm truyền thống mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Tại đây, đoàn giáo viên, học sinh đã xúc động, tự hào khi được nghe về thân thế sự nghiệp, cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc sinh thời đến lúc trở thành Chủ tịch nước.
Lần đầu tiên được đến thăm quê hương Bác, bạn Su Phăn Sả (học sinh lớp 9, Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du) chia sẻ, bản thân em đã được nghe kể về Bác Hồ, nhất là qua bài học trong nhà trường. Nhưng hôm này, được đến thăm quê hương của Bác mình rất vui xen lẫn tự hào, xúc động vì được hiểu thêm về Bác Hồ và đặc biệt là tình cảm của mỗi người dân Việt Nam các bạn khi đến thăm quê Bác.
Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nguyễn Du cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã đặt nền móng cho mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc.
Thấm nhuần tình cảm đặc biệt đó, hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc và đặc biệt là lực lượng thanh niên, đoàn viên luôn đoàn kết gắn bó với tình cảm thủy chung, son sắt.
Với chúng tôi, những thế hệ tiếp theo nguyện hứa sẽ tiếp tục gìn giữ và vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.”
Trước đó, đoàn giáo viên, học sinh tiêu biểu Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du đã đến quê ngoại Bác Hồ dâng hoa, dâng hương. Tại đây, đoàn được giới thiệu về cụm di tích Hoàng Trù, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại. Cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi.
Tự hào về truyền thống lịch sử ấy, thầy và trò Trường song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du quyết tâm dạy tốt, học tốt để tiếp bước xây dựng nhà trường ngày một trưởng thành, vững mạnh hơn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững và phát huy danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia. Đồng thời, đưa nhà trường vươn tới những tầm cao mới, xứng đáng với niềm tin yêu của lãnh đạo các cấp và của bà con người Việt tại Lào trong giai đoạn mới với phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Chiều cùng ngày, đoàn giáo viên, học sinh tiêu biểu Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du tiếp tục có buổi giao lưu do Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức với các nội dung như tìm hiểu về danh lam, thắng cảnh, con người, ẩm thực… của 2 nước Việt Lào.