Đắk Lắk: Dân kêu cứu 4 nghìn m2 đất khai hoang bị thu hồi nhưng không được đền bù

Thanh Nga 24/08/2023 09:00

UBND xã Ea M’Droh dự kiến sẽ thu hồi khoảng 4.000 m2 đất của bà Phạm Thị Tình ở thôn Hợp Hòa, xã Ea M’Droh, huyện CưM’gar, (Đắk Lắk) để xây sân bóng nhằm tiết kiệm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó người dân kêu cứu vì đất tự khai hoang.

Thửa đất UBND xã Ea M’Droh dự kiến thu hồi làm sân bóng.

Bà Phạm Thị Tình cho biết: Năm 1995, vợ chồng bà mua hơn 8.000 m2 đất tại thôn Hợp Hòa, (xã Ea M’Dróh huyện Cư M’gar) của bà Vũ Thị Nhan (người khai hoang đầu tiên ở thôn Hợp Hòa) với giá 1,5 chỉ vàng, khi mua hai bên gia đình chỉ có giấy tờ viết tay, không có xác nhận của UBND xã. Khu đất bà mua khi ấy cây cối còn rậm rạp, toàn cây trúc, cây le, đất, đá lô nhô, gai xấu hổ nhiều, vợ chồng bà phải đốt đuốc dọn đá, đào gốc le suốt ngày, suốt đêm mới trồng tỉa được hoa màu.

Năm 2016, bà Tình đã kê khai, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) gần 4.000 m2 trên mảnh đất rộng hơn 8.000 m2 mà bà đang canh tác. Tiếp đó, bà đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận, cấp sổ đỏ tiếp cho phần diện tích đất còn lại.

Đến năm 2019, UBND xã mới làm việc với bà Tình và rà soát hồ sơ vào tháng 9/2020, UBND xã Ea M’Droh ban hành văn bản, trả lời việc bà Tình đề nghị xin được cấp sổ đỏ phần đất còn lại đã khai hoang vào năm 1995 là không đủ căn cứ.

Bà Phạm Thị Tình bức xúc: "Tôi được cơ quan chức năng thông báo: hơn 4.000 m2 đất của gia đình khai hoang vào năm 1995 nằm trong diện bị thu hồi để UBND xã Ea M'Droh xây dựng sân bóng. Việc này thật khó chấp nhận, bởi đây là thửa đất vợ chồng tôi phải đổ mồ hôi, công sức mới có được; gần 30 năm nay tôi vẫn sử dụng trồng tỉa hoa màu trên đất và gần một nửa trong số đó đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bà con sinh sống cùng tôi thời kỳ đấy có thể làm chứng.

Tôi mua bán có giấy sang nhượng đất viết tay, định giá mua bán từ chủ cũ thửa đất, nếu cơ quan chức năng thu hồi theo quy định, thì phải có bồi thường xứng đáng cho gia đình tôi, còn không phải trả lại đất cho tôi. Chồng tôi đã qua đời, hiện hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn".

Liên quan đến vụ đất đai của bà Phạm Thị Tình, ngày 24/7, UBND xã Ea M'Droh đã mời các hộ dân sinh sống lâu năm tại khu vực trên để xác minh, đối chiếu lịch sử nguồn gốc khu đất nói trên có thuộc quyền sở hữu của bà Tình hay không. Tại cuộc họp, một số người dân đến sinh sống thời kỳ năm (1997-1998) ở Buôn Ea M’Dróh (xã Ea M’Dróh huyện Cư M’gar) thì cho rằng, 4000 m2 đất bà Tình nói trên là đất của thôn Hợp Hòa.

Một số người dân sinh sống từ thời kỳ năm (1994-1995) thì xác nhận rằng thửa đất số 1946 (thôn Hợp Hòa) là do vợ chồng bà Tình mất nhiều công sức khai hoang, cải tạo mới thành ra hiện trạng như ngày nay. Họ tận mắt chứng kiến quá trình thửa đất hình thành và nếu cơ quan chức năng thu hồi để xây dựng sân bóng tại địa phương thì cần xem xét bồi thường, hỗ trợ xứng đáng cho bà Tình.

Bà Vũ Thị Nhan (thôn 4 xã Ea Cao, TP Buôn Ma Thuột) xác nhận, bà là người bán lại đất cho vợ chồng bà Tình từ năm 1995. Giấy tờ mua bán vẫn còn nguyên. Sau khi mua bán, vợ chồng bà Tình đã dọn đất trồng tỉa hoa màu.

Bà Nhan cho biết thêm: bà là người khai hoang đầu tiên tại mảnh đất ở thôn Hợp Hòa để khai hoang, ngoài bán đất cho bà Tình ra, bà Nhan còn bán đất cho nhà ông Cóng, ông Lèn, ông Páo, bà Sinh… vào năm (1997-1998). Những người này hiện nay đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ, chỉ riêng bà Tình là mới được cấp giấy CNQSĐ được 1 nửa.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Ea M'Droh nhấn mạnh: Bà Tình không đưa ra được căn cứ thuyết phục, chỉ cung cấp giấy tờ mua bán, không ghi tứ cận, tiếp giáp hộ nào, không có số lô, số thửa nên không đủ cơ sở để cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đối với trường hợp đất của bà Tình, nếu không đồng ý với cách xử lý của chính quyền địa phương thì có thể khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

“Bà Tình cũng có thể khiếu nại lên cấp cao hơn là UBND huyện để giải quyết. Thửa đất của bà Tình thuộc diện lấn chiếm, có trích lục đo đạc hẳn hoi, thuộc diện cần thu hồi, UBND xã chỉ làm đúng theo quy định. Còn đối với giấy sang nhượng đất viết tay có thể tham khảo bởi rất khó chứng minh được nguồn gốc đất là khai hoang hay là lấn chiếm”, ông Nam nói.

Ngày 4/8, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một lãnh đạo Thanh tra huyện Cư M'Gar (tỉnh Đắk Lắk) xác nhận, liên quan đến vụ việc bà Phạm Thị Tình (thôn Hợp Hòa, xã Ea M’Droh) khiếu nại việc UBND xã thu hồi khoảng 4.000m2 đất để xây sân bóng, phía UBND huyện Cư M'Gar đã tiếp nhận thông tin và hướng dẫn các bên liên quan có hướng xử lý phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật. Đơn thư khiếu nại của bà Tình đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo (UBND xã đã có văn bản phản hồi lần 1 - PV). Hiện, bà Tình có thể đâm đơn khởi kiện ra tòa để cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Theo lãnh đạo Thanh tra huyện Cư M'gar: Trước đây UBND xã Ea M'Doh quy hoạch vị trí xây sân bóng ở một thửa đất khác rộng đến hơn 5ha. Tuy nhiên, xét thấy chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá lớn nên năm 2019, UBND xã đã thay đổi quy hoạch, chọn thửa đất đang thuộc diện tranh chấp với bà Tình để xây dựng sân bóng nhằm tiết kiệm chi phí bồi thường.

Theo tìm hiểu của PV, thửa đất UBND xã Ea M'Droh thu hồi (tại thửa đất số 1946, tờ bản đồ số 36, thôn Hợp hòa) hiện đang là đất ruộng, nằm lún sâu gần 2m so với mặt đường. Nếu khi cơ quan chức năng triển khai xây dựng phải tốn kém chi phí khá lớn để lấp đất, cải tạo cơ sở hạ tầng.

Trả lời về tính khả thi của dự án sân bóng tại địa bàn nói trên, một lãnh đạo UBND huyện Cư M'Gar đánh giá: Kế hoạch xây sân bóng được UBND xã trình Đảng ủy, HĐND xã họp bàn rồi mới thông qua vào năm 2019. Công tác làm quy hoạch được triển khai theo từng giai đoạn. Đến năm 2025, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể điều chỉnh quy hoạch khu vực thửa đất xây sân bóng nếu thấy dự án không còn khả thi để triển khai công trình khác phù hợp hơn với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa bàn.

UBND huyện rất muốn tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho bà con “bởi việc gì có lợi cho dân thì làm” và trường hợp bà Tình nếu có giấy sang nhượng đất viết tay thì khi tiến hành thủ tục khởi kiện, phía tòa án có thể lấy tình tiết này làm căn cứ để có hướng xử lý thỏa đáng.

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc trên, ngày 15/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi UBND huyện Cư Mgar, đề nghị lãnh đạo UBND huyện Cư M'Gar chỉ đạo kiểm tra, xác minh và có thông tin phản hồi các nội dung báo chí phản ánh. Trong đó, UBND huyện cần nêu rõ giải pháp của ngành chức năng trong việc xử lý tình nêu trạng trên.

Thanh Nga