Bóng đá nữ và thông điệp bình quyền
Đêm 20/8, Cup bóng đá nữ thế giới (FIFA Women's World Cup) 2023 đã khép lại với chiến thắng của những cô gái Tây Ban Nha và dư âm của nó sẽ còn lâu dài. World Cup bóng đá nữ là giải đấu được tổ chức 4 năm một lần, kể từ năm 1991.
Nhằm vinh danh Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023, một nghệ sĩ New Zealand đã hoàn thành dự án vẽ 6 bức tranh tường chân dung. Nghệ sĩ có nghệ danh Mr.G, 45 tuổi, rất nổi tiếng với những tác phẩm tranh tường quy mô lớn, đã được FIFA hỗ trợ để vẽ những người phụ nữ huyền thoại trong bóng đá. Theo nghệ sĩ Mr.G, bức chân dung cỡ lớn ngoài trời là một cách tuyệt vời để kể câu chuyện của nhân vật, không chỉ vẽ khuôn mặt mà còn phải nói lên được một cuộc đời và một câu chuyện, để vinh danh bóng đá nữ.
So với bóng đá nam, bóng đá nữ luôn lép vế. Tuy nhiên, chính những “bóng hồng” ấy đã lan tỏa tinh thần lạc quan yêu đời cho toàn thế giới. Rằng, bóng đá không thể bị thống trị bởi nam giới, cũng giống như các nữ phi hành gia cũng đã bay vào vũ trụ như các đồng nghiệp nam.
Đáng chú ý, ngay trong bóng đá nam tại World Cup, thì cũng đã có nữ trọng tài bắt chính ở những trận đấu quan trọng. Lịch sử đã ghi tên của Salima Mukansanga, Yoshimi Yamashita, Stephanie Frappart là 3 trọng tài nữ chính tại World Cup 2022. Trọng tài Yoshimi Yamashita, người Nhật Bản nói, World cup là sân khấu thể thao lớn nhất toàn cầu đến từ những người đàn ông, nhưng bóng đá không chỉ đơn giản là bóng đá, mà còn là sự bình đẳng giới, là sự bình quyền.
Chủ tịch Ủy ban trọng tài FIFA, Pierluigi Collina, cho biết: “Chúng tôi nhấn mạnh rõ ràng rằng chất lượng là giá trị cho chúng tôi chứ không phải giới tính”.
Còn Stephanie Frappart, nữ trọng tài người Pháp, cầm còi trận đấu giữa hai đội tuyển Đức và Costa Rica tại bảng E World Cup 2022 nói rằng mọi người sẽ nhớ mãi điều này vì đây là một khoảnh khắc lịch sử: lần đầu tiên một trọng tài nữ điều khiển một trận đấu tại FIFA World Cup.
“Đây chính là cơ hội để những nữ trọng tài như tôi gửi thông điệp đến những bé gái rằng chúng ta không hề thua kém nam giới trong bất cứ lĩnh vực nào” - Stephanie nói.
Hóa ra bóng đá không chỉ là bóng đá nam hay nữ mà còn là thông điệp lan tỏa, tạo nguồn cảm hứng cho cuộc sống khi mà ở đâu đó trên Trái đất này vẫn tồn tại phân biệt giới, vẫn còn thái độ “trọng nam khinh nữ”...