Đưa đặc sản địa phương lên sàn

T.Hằng 22/08/2023 06:29

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đang xây dựng mô hình sàn đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đây là cơ hội để địa phương giới thiệu và quảng bá sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Tỉnh Bắc Giang chủ động phân phối, mở rộng kênh tiêu thụ trái vải cho người dân địa phương. Nguồn: Công thương.

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AUTOAGRI cho rằng, để các đặc sản tới người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trước hết cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, khu vực miền núi có rất nhiều nông sản hàng hóa mà ở các thị trường lớn rất thích. Tỉnh Điện Biên có sản phẩm gạo của Điện Biên khá nổi tiếng ở thị trường trong nước; hay các sản phẩm nông sản như bí xanh, lạc, cà phê, chè… Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp (DN) cung ứng đặt vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm với khối lượng ổn định hàng tháng lên tới vài chục tấn thì thường không có, bà con không thể đáp ứng được. Bởi đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa thì vẫn sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, khi nhà dùng không hết thì mang ra bán, nên tính ổn định không cao.

Trên thực tế, số lượng DN ở các địa phương có thể tự mình đưa sản phẩm lên các kênh TMĐT là rất ít. Việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, DN còn khiêm tốn và không thực sự mang lại giá trị như mong muốn. Nguyên nhân là do hầu hết các DN, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing. Cùng đó, chi phí quản lý bán hàng quá cao (từ 25% đến 45%) cũng khiến DN ngần ngại khi tham gia các sàn TMĐT. Ngoài ra, còn khó khăn về vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, quá trình vận chuyển sản phẩm từ các địa phương đến tay người tiêu dùng...

Do đó thông tin về việc Cục TMĐT và Kinh tế số đang triển khai xây dựng mô hình sàn đặc sản địa phương trên các sàn TMĐT, được coi là cơ hội lớn cho địa phương tiêu quảng bá và tiêu thụ hàng hóa. Bởi theo kế hoạch khi tham gia mô hình sàn đặc sản địa phương, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng đặc sản trên các sàn TMĐT lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả DN sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT.

Sàn đặc sản địa phương hứa hẹn mang lại giá trị thiết thực cho cả DN sản xuất cũng như người tiêu dùng khi có thể mua các sản phẩm đặc sản địa phương mà không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.

Giải pháp thiết thực

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, để sản phẩm địa phương tiêu thụ ổn định và phát triển trên kênh TMĐT thì các nhóm hộ sản xuất ở địa phương phải liên kết lại với nhau phải có một lượng sản phẩm đủ cung cấp ra thị trường.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh - thành viên của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, cần sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động TMĐT. Hoạt động đào tạo và phát triển TMĐT cũng cần phải có lộ trình phù hợp để trợ giúp bà con trong một thời gian dài liên tục học tập, nâng cao trình độ. Đồng thời, việc phổ cập các hoạt động về truy xuất nguồn gốc cho bà con nông dân sẽ được mở rộng ra để tất cả sản phẩm từ trung bình đến những sản phẩm giá rẻ cũng đều có khả năng ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại.

Đặc biệt, DN cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu ở trên Internet. Việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều DN cần đầu tư và sẽ mang tới cho DN một bước nhảy mới trong thời kỳ chuyển đổi số.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương...

T.Hằng