Truy xuất phát thải carbon
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận.
Với hệ thống này, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận, có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh”, thân thiện với môi trường một cách minh bạch nhất.
Theo đó, các thiết bị thông minh tự động đo lượng khí phát thải khí carbon được lắp đặt tại từng vườn trồng, cập nhật lên không gian mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon ở thời gian thực. Bên cạnh đó, công nghệ này còn phân tích, đưa ra các giải pháp để giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Vũ Tấn Phương - chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, từ nghiên cứu các nguồn phát thải khí nhà kính qua các phương thức canh tác như GlobalGAP, hữu cơ, VietGAP và truyền thống cho thấy sự phát thải cacbon trong sản xuất thanh long rất khác nhau. Điển hình trong khâu sử dụng điện chiếu sáng, nếu chuyển từ bóng compact sang đèn led có thể giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng. Hay việc trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, các khoảng trống, nếu trồng từ 100-300 cây/ha, trung bình hấp thụ được từ 0,9 – 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm từ 20-45% lượng phát thải tại trang trại…
Đến nay, đã có 99 vườn trồng của nông dân thuộc 4 hợp tác xã tại Bình Thuận đã được cấp tài khoản tham gia hệ thống này.
Theo ông Phương, trong bối cảnh thúc đẩy nông nghiệp phát triển xanh, đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng, giảm thiểu những rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao.
Như vậy sau tôm, thanh long là nông sản thứ hai của Việt Nam ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu có yêu cầu và sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm tuân thủ các chuẩn mực "xanh", tiêu chuẩn "xanh" trong quá trình sản xuất.
Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi xanh trong nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao.
Tuy nhiên quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều...
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp là yếu tố tiên quyết trong chuyển đổi số. Chỉ khi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thực hiện công nghệ số trong ngành nông nghiệp thì các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân mới tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy quá trình số hóa nông nghiệp nhanh và mạnh hơn.