Tín dụng chính sách: Chặn đứng nạn cho vay nặng lãi ở vùng DTTS và MN
Tín dụng chính sách được cho là sẽ góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cấp vốn cho người nghèo
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.284.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 6,2 triệu lao động.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định để triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, tạo nên một hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng. Các đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều được tiếp cận đến nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Dòng vốn chính sách đã dần phát huy được tác dụng, nhưng so với nhu cầu tín dụng của người nghèo dòng vốn này cần phải được mở rộng hơn nữa, bởi trên thực tế nạn tín dụng đen vẫn hoành hành ở nhiều địa phương, nhiều vùng miền. Nhiều người dân không tiếp cận được vốn tín dụng chính thống đã phải tìm đến tín dụng đen.
Để chặn vấn nạn tín dụng đen, phát triển tín dụng chính sách là điều cần thiết, ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị, cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Trong khi đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đề xuất bổ sung đối tượng cho vay: hộ cận nghèo dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022 của Chính phủ; hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được vay vốn sản xuất kinh doanh; hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình được vay vốn chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.
Còn ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, khi phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khả năng đáp ứng về lao động nhất là lao động qua đào tạo rất khó khăn, đòi hỏi phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân. Do vậy, ông Thái đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, báo cáo và đề xuất với Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mở rộng đối tượng cho vay để đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm.
Hoàn thiện chính sách
Trên thực tế nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi. Từ đó, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là 2 kênh tài chính song hành mang đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguồn vốn tín dụng chính sách là vô cùng cần thiết, song nguồn lực thực hiện còn hạn chế, cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo hiện nay vẫn còn bị phân tán. Hơn nữa, nhiều quy định không còn phù hợp về mức cho vay, thời hạn cho vay của một số chương trình tín dụng chậm được điều chỉnh. Một số địa phương vẫn chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội… nên đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng xã hội sát hợp hơn nữa với thực tiễn.
Lãi suất cho vay hợp pháp là bao nhiêu?
Hiện nay, các tổ chức, cá nhân cho vay áp dụng nhiều mức lãi suất cho vay khác nhau. Mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), người phạm tội cho vay nặng lãi với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.