Ai cũng được học hành...
Chuẩn bị cho năm học mới, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những vấn đề ngành Giáo dục cần tập trung triển khai trong trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương phối hợp rà soát tình hình tuyển dụng giáo viên, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Thời gian qua, việc thiếu giáo viên cục bộ ở một số tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nổi lên gay gắt. Nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Chính sách đãi ngộ giáo viên còn bất cập, dẫn đến việc các trường sư phạm gặp khó khăn trong tuyển sinh, một số tỉnh khó tuyển giáo viên trong khi số giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp tục gia tăng.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên - đó không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn lâu dài.
Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến hai thành tố quan trọng nhất trong nhà trường, đó là giáo viên và học sinh.
Về giáo viên, như đã nói, tình trạng thiếu cục bộ (nhất là với môn Tin học, Ngoại ngữ) vẫn dai dẳng nhiều năm qua. Nhiều tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn rất khó tuyển dụng giáo viên, dù đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, tổng số giáo viên của tỉnh hiện mới đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, Yên Bái đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân 2 đợt/năm, với tổng chỉ tiêu tuyển là 2.532, song số đăng ký chỉ là 1.359 (53,7%). Số trúng tuyển cũng chỉ là 726 (53,4%) và chỉ chiếm gần 29% tổng số chỉ tiêu tuyển.
“Giáo viên Tiếng Anh và Tin học, thu hút tuyển mới lên vùng cao với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp, nhưng chúng tôi vẫn chưa tuyển mới được trường hợp nào” - ông Duy cho biết.
Đáng lo ngại đây cũng không phải là địa phương duy nhất. Tại tỉnh Cà Mau, có 600 biên chế viên chức cho ngành giáo dục, nhưng lại không có nguồn tuyển, trong khi giáo viên có nguyện vọng chuyển đi địa phương khác mỗi năm khoảng 200 người.
Với tỉnh Kon Tum, cũng còn thiếu 836 giáo viên.
Điểm qua để thấy các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa luôn trong tình trạng thiếu giáo viên. Điều đó ảnh hưởng lớn đến cả quy mô trường lớp cũng như chất lượng dạy và học.
Về phía học sinh, chất lượng học tập (thể hiện qua điểm số trong năm học cũng như các kỳ thi chuyển cấp) cũng rất đáng lo ngại khi nhiều tỉnh thành “xa xôi cách trở” luôn ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng 63/63 tỉnh, thành cả nước. Trong đó có tỉnh Hà Giang khi “đội sổ toàn quốc” điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT 4 năm liền. Cụ thể, kết thúc năm học 2022-2023, tỉnh này đứng cuối bảng xếp hạng ở 6 môn thi: Toán (4,315), Ngữ văn (5,270), Lịch sử (5,203), Địa lý (5,536), Giáo dục công dân (7,238) và Ngoại ngữ (3,833). Trong đó Toán và Ngoại ngữ là 2 môn mà Hà Giang có mức điểm trung bình dưới 5.
Có 3 môn Hà Giang không “đội sổ”nhưng thứ hạng cũng thấp, đó là Vật lý (đứng thứ 47/63), Hóa học (48/63) và Sinh học (58/63).
Còn trước đó, thứ hạng của Hà Giang tại kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2022, 2021, 2020 đều ở vị trí 63/63. Năm 2019, tỉnh này đứng cao hơn một bậc là 62/63, trên Sơn La.
Trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách vô cùng giản dị: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
“Mong muốn tột cùng” của Người cũng chính là khát vọng của cả một dân tộc đã anh dũng vùng lên giành độc lập dân tộc, “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và Người nói, để đạt được điều đó thì “chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” - Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm học mới sắp bắt đầu, trong rất nhiều việc phải làm để xây dựng nền giáo dục Việt Nam bình đẳng, tiên tiến thì không thể không dồn sức chăm lo cho đội ngũ giáo viên và điều kiện học tập của học sinh. Nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.