Nhân lên những yêu thương, đoàn kết
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Lo trọn việc đạo, chung tay việc đời” được Báo Đại Đoàn Kết tổ chức vào ngày 21/8 đã khép lại với nhiều thông tin quan trọng qua phần trao đổi, chia sẻ của các vị khách mời, giúp độc giả hình dung được vai trò quan trọng của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong 68 năm qua, cũng như hiểu biết sâu sắc hơn về những đóng góp của đồng bào Công giáo trong phong trào thi đua yêu nước, bằng cách nêu gương đời sống bác ái, hòa hợp, như là men, là muối, dấy lên những yêu thương, đoàn kết trong dân tộc.
Chủ trì buổi tọa đàm có ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời: GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam; Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau, Chánh xứ Cà Mau, Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi Nhân Ái Cà Mau.
Tốt đời đẹp đạo
Là một trong những khách mời đến từ Cà Mau, Linh mục Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau, Chánh xứ Cà Mau được biết đến với một vai trò rất đặc biệt, đó là Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi Nhân Ái Cà Mau. Linh mục cũng chính là người sáng lập ra ngôi trường này.
Được thành lập từ năm 2009, hơn 12 năm đã trôi qua, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi Nhân Ái Cà Mau (ở Khóm 3, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) đã nuôi dưỡng và giúp hàng trăm trẻ em khuyết tật hoà nhập với cộng đồng. Nhiều năm qua ngôi trường mang tên Nhân Ái đã bền bỉ và thầm lặng phục vụ những trẻ không may, đặc biệt chuyên chăm sóc trẻ khiếm thính. Điều đáng nói, ngôi trường không chỉ nuôi dạy trẻ em Công giáo mà mọi trẻ khuyết tật đều được giúp đỡ, chăm sóc tận tình, không phân biệt tôn giáo. Những cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo, các linh mục, các sơ trong mái trường Nhân Ái đã giúp nhiều em thay đổi cuộc đời.
Nói về việc làm sao để hài hoà giữa việc đạo và việc đời, Linh mục Nguyễn Văn Vinh chia sẻ, chính tình yêu và giáo lý Công giáo đã thôi thúc, giúp ông hoàn thành những trách nhiệm và bổn phận của mình. “Ở Trung tâm của chúng tôi có khẩu hiệu: Yêu thương và phục vụ. Tình yêu chính là thứ thôi thúc tất cả để mọi người hết lòng chăm lo cho các trẻ em khuyết tật” - Linh mục Nguyễn Văn Vinh nói.
Theo Linh mục Nguyễn Văn Vinh, trong Giáo hội Công giáo, ngoài lời của Chúa, còn có những lời giáo huấn của các bề trên, mà cao nhất là Đức Thánh Cha. Còn ở Việt Nam là Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trong đó Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 được nhắc nhiều nhất. Thư chung đã đưa ra đường hướng, một cách sống mới trong bối cảnh mới là đi lên xây dựng XHCN. Trong đó nhấn mạnh, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm. Phúc âm ở đây là lời Chúa. Nghĩa là Hội đồng Giám mục Việt Nam muốn giáo dân không chỉ sống đạo trong nhà thờ mà còn phải sống đạo và giữ đạo trong cả cuộc sống đời thường. Đem lời Chúa vào cả văn hoá, kinh tế,… đưa tình yêu thương vào tất cả môi trường sống của mình.
“Tình cảm này được thể hiện qua đời sống đức tin và những việc làm cụ thể mà Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã đề ra như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống nông thôn, đô thị văn minh; sống tốt đời đẹp đạo; Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu... Tình yêu này không phải chỉ giữ ở trái tim, ở trong lòng mà tình yêu đó phải được sống và thể hiện qua cuộc sống đời thường của mỗi người Kitô hữu” - Linh mục Nguyễn Văn Vinh khẳng định.
Cũng là người Công giáo lo trọn việc đạo, chung tay việc đời, Linh mục Trần Xuân Mạnh bên cạnh vai trò là một vị cha Chánh xứ Giáo xứ Phúc Lãng (xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) ông còn là Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Linh mục còn được tín nhiệm bầu là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2021-2026, và đây là nhiệm kỳ thứ 3.
Quan điểm của Linh mục Trần Xuân Mạnh, muốn lo trọn việc đạo, chung tay việc đời thì phải khiêm tốn học hỏi, phải khiêm tốn lắng nghe và làm việc có khoa học. Trong công việc phải hài hòa để tạo không khí vui tươi thân mật, phải biết chia sẻ trách nhiệm.
“Có câu “một người lo bằng một kho người làm”, nhiều khi giải quyết công việc tôi chỉ cần trả lời trên email, điện thoại sau khi suy nghĩ kỹ càng bởi vì tôi thấy có khi họp nhiều mà thực hành ít thì cũng không tốt, có những khi làm ít mà tốt thì vẫn hơn. Hơn nữa cũng phải biết “chọn mặt gửi vàng”, nhất là những người có tâm, có tầm, có tài” - Linh mục Trần Xuân Mạnh nói và cho biết với một người làm việc đạo đời, ông luôn cố gắng hết sức, cố gắng từng ngày.
Xây dựng quê hương, đất nước
Thực tế hoạt động trong suốt những chặng đường vừa qua đã làm cho uy tín của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao. Nhiều linh mục, tu sĩ nam, nữ với quá trình thời gian đã cảm nhận, tích cực tham gia và gắn bó với phong trào thi đua yêu nước; nhiều Đức giám mục cũng quan tâm, tạo điều kiện và đông đảo đồng bào Công giáo trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động do Ủy ban Đoàn kết Công giáo phát động, qua đó đã tạo cho phong trào sức sống và sự tin tưởng trong các hoạt động thi đua yêu nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam còn phải vượt qua những thử thách trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình với Giáo hội và xã hội.
Thử thách đầu tiên là làm sao để tinh thần Giáo hội hiệp hành đi vào rõ thêm trong chương trình hành động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Điều cần thiết nhất là làm sao thúc đẩy được tính công dân của người Công giáo Việt Nam trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
Để xây đắp những cầu nối, đoàn kết đồng bào Công giáo xây dựng, đóng góp cho quê hương, đất nước, ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, tăng cường đoàn kết đồng bào công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam. Đây cũng là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là phương châm, đường hướng của Tòa thánh Vatican, của Đức Giáo hoàng Francis.
Ông Thanh cũng khẳng định, cần tăng cường tuyên truyền về những đóng góp tích cực, nhân văn của người công giáo đối với đất nước và dân tộc; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng và lan tỏa những tập thể, cá nhân người công giáo tiêu biểu, sống “Tốt đời đẹp đạo”, có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước; có thể xem xét để đặt tên đường phố, các công trình văn hóa xã hội là tên của người công giáo có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta, đất nước ta cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ
Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ 8, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra vào tháng 10/2023. Linh mục Trần Xuân Mạnh cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng các nội dung công việc đề ra theo kế hoạch.
Để chuẩn bị cho Đại hội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Đại hội, các Tiểu ban văn kiện; Tiểu ban nhân sự; Tiểu ban tuyên truyền; Tiểu ban Hậu cần và các tổ giúp việc. Đại hội lần này dự kiến có khoảng 600 đại biểu trong đó 400 đại biểu chính thức và 200 đại biểu khách mời. Đại hội sẽ đề cử 150 vị Uỷ viên Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó có 30 vị tham gia Đoàn Chủ tịch và 9 vị tham gia Ban Thường trực nhiệm kỳ mới- đây sẽ là những người Công giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói về chủ đề của Đại hội đại biểu toàn quốc Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028: “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”, Linh mục Trần Xuân Mạnh cho biết, hai chữ đầu “Hiệp hành” được nhắc tới trong chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI với tên gọi “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.
“Chia sẻ” nghĩa là phải biết đồng cam cộng khổ với vận mệnh của Tổ quốc, cùng vui, cùng buồn với dân tộc mình. Đó là sứ mệnh mà Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã và đang thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
“Phục vụ” với cương vị là cầu nối, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tích cực tuyên truyền vận động đồng bào Công giáo hưởng ứng tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến là người Công giáo. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng cố gắng nêu lên những nguyện vọng chính của bà con giáo dân cũng như các tổ chức đoàn thể của Giáo hội đối với Nhà nước.
Linh mục Trần Xuân Mạnh cũng khẳng định, trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu đổi mới. Mục tiêu thứ nhất đó là tích cực tuyên truyền đến đồng bào Công giáo chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, phát huy hơn nữa vai trò đại diện phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế.
Mục tiêu thứ hai đó là tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của truyền thống văn hóa, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đổi mới, sáng tạo, sự đoàn kết, đồng thuận xã hội.
Mục tiêu thứ ba hướng tới đó là tập hợp phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người Công giáo để được xem xét giải quyết; chủ động cùng với MTTQ Việt Nam và chính quyền các cấp kịp thời giải quyết và tìm ra những giải pháp tốt nhất để đảm bảo ổn định xã hội, đạo đời.
Mục tiêu thứ tư là tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trách nhiệm của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong đời sống xã hội và trong đồng bào công giáo Việt Nam, góp phần tích cực, hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thực hiện tốt đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”.
“Kính Chúa yêu nước”, gắn bó đồng hành cùng dân tộc
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy bày tỏ, với truyền thống “Kính Chúa yêu nước”, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng của trong đoàn kết, tập hợp đồng bào Công giáo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết, trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Tòa thánh Vatican và hội kiến với Giáo hoàng Francis ngày 22/3/2014, Giáo hoàng Francis đã nói: Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt. Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc.
Và gần đây nhất, ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Tòa Thánh Vatican và gặp gỡ Đức Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, trong đó có Công giáo. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam trong các hoạt động thiện nguyện, giáo dục, y tế, dạy nghề; đồng thời mong muốn Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, trong cuộc gặp lịch sử này, Giáo hoàng Francis cũng đã khẳng định: Tòa thánh mong muốn quan hệ Tòa thánh - Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp; nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”; đồng thời khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội.
Để thực hiện lời huấn từ của các Đức Giáo hoàng và đường hướng mục vụ hằng năm của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã luôn tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo gắn với đường hướng mục vụ của từng năm. Qua công tác triển khai và tổng kết cho thấy, đồng bào Công giáo đã thực hiện có hiệu quả đường hướng mục vụ của Giáo hội trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội, nhất là tham gia tích cực và có hiệu quả cao trong công tác từ thiện, bác ái xã hội, nâng cao dân trí, cùng với đất nước từng bước vượt qua những khó khăn thử thách và ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có những đóng góp lớn lao vào sự phát triển chung của đất nước.
Chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ và đặc biệt thông điệp “Hiệp hành” mà Giáo hội Công giáo mời gọi cũng đã trở thành một trong những chủ đề của Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028 của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, đó là Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ.
“Với trách nhiệm của mình, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ luôn quan tâm phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với đồng bào Công giáo, với xã hội và Giáo hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy khẳng định.
Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, với trách nhiệm của mình, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ luôn quan tâm phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với đồng bào Công giáo, với xã hội và Giáo hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người Công giáo rất mừng vui khi Tổ quốc gọi tên mình
Theo Linh mục Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, chủ đề tọa đàm “Lo trọn việc đạo, chung tay việc đời” là rất phù hợp, mong rằng người Công giáo Việt Nam chung tay đoàn kết lương giáo để thực hành mọi điều Giáo hội dạy cũng như tích cực tham gia các phong trào của MTTQ Việt Nam phát động, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Công giáo rất mừng vui khi Tổ quốc gọi tên mình.
Tiên phong vai trò cầu nối đạo và đời
GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong 40 năm qua đã tiên phong với vai trò là cầu nối giữa đạo và đời, tổ chức, hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước ngày càng rộng lớn hơn của người Công giáo Việt Nam. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng là người cổ vũ, triển khai tích cực tinh thần Thư chung, sống Phúc âm giữa lòng dân tộc.
Xây những cây cầu của tình người và bác ái
Linh mục Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau cho rằng, cần xây những nhịp cầu để đến với nhau, biết lắng nghe, biết tìm con đường hoà giải với lòng khiêm nhường, dịu dàng và nhân từ. Cây cầu của tình người, của bác ái và cảm thông sẽ xoá bỏ những ngăn cách, hiểu lầm, nghi kị, nhờ vậy sẽ không còn những bức tường ngăn cách, không có đối đầu mà chỉ có đối thoại. Cây cầu này sẽ kết nối tình người để chúng ta cùng nhau chung lòng chung sức, xây dựng xã hội hoà thuận, thân thiện và hạnh phúc hơn theo tinh thần Kito giáo.
Tăng cường đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, việc phá đi những rào cản, những “bức tường” để xây dựng những “chiếc cầu” nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam. Đây cũng là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là việc lớn, là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của cả Giáo hội Công giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và toàn thể đồng bào Công giáo Việt Nam.
Đồng hành cùng chương trình: