Hành trình về vùng khó Quảng Ninh
Ngày 29/5/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" (Đề án 196).
Trên cơ sở đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí hơn 1.776 tỷ đồng và hơn 397 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Đề án 196. Việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai với sự tham gia giám sát của cộng đồng; có cơ chế để địa phương chủ động quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau khi được đầu tư hỗ trợ.
Sau 3 năm thực hiện Đề án 196, đến hết năm 2019, tất cả 22 xã, 11 thôn của tỉnh đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Không những thế, nhiều xã đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa ra khỏi đặc biệt khó khăn, vừa về đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,56%. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đạt gần 33 triệu đồng/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2015.
Thành công lớn nhất của Đề án 196 chính là đã xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Trong đó, toàn tỉnh đã có 475 hộ nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Từ kết quả đã đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng- an ninh tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Sau 2 năm triển khai, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đã tạo điều kiện để đời sống, việc làm, thu nhập của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 54,4 triệu đồng/năm. Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo, hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chuyển sang thực hiện chuẩn nghèo mới giai đoạn 2023-2025 gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương.
Ông Vũ Kiên Cường - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nghị quyết 06 là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh trong tương lai. Kết quả này là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc nhằm hoàn thành toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Qua 2 năm (2021-2022) thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giảm nhanh chóng và bền vững. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06 % tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%)... Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo giai đoạn 2021- 2025 trước 3 năm so với kế hoạch đề ra.