Vụ án Việt Á: Hé lộ số tiền 2 cựu Bộ trưởng nhận hối lộ
Cơ quan điều tra xác định bị can Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Á, đã đưa hối lộ số tiền hơn 106 tỷ đồng; trong đó, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD
Hé lộ số tiền 2 cựu Bộ trưởng nhận hối lộ
Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận, đề nghị VKSND tối cao truy tố các bị can trong vụ án sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á.
Theo đó, nhóm các bị can này bị cáo buộc phạm vào các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Tham ô tài sản"; "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong số bị can có 2 người từng là Ủy viên Trung ương Đảng gồm các ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ và Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế.
Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khi làm Thứ trưởng đã ký công văn đề xuất không hiệp thương giá mà đề nghị Bộ Tài chính thực hiện hiệp thương với sinh phẩm chẩn đoán Covid-19 theo nguyên tắc: Giá sản xuất cộng Thuế và cộng lãi. Việc này nhằm "khuyến khích sản xuất trong nước".
Ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm Covid-19; hiệp thương giá và kiểm tra hiệp thương sai quy định. Việt Á do vậy được tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm, thu lời bất chính.
Quá trình này, Phan Quốc Việt nhiều lần đưa tiền cho ông Long. Lần đầu vào tháng 12/2020, thông qua Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long, Việt đưa 200.000 USD cho cựu Bộ trưởng.
Một tháng sau, Phan Quốc Việt tiếp tục đưa 2 tỷ đồng và 1 triệu USD cho Nguyễn Huỳnh. Huỳnh chuyển lại 1 triệu USD cho ông Long, còn giữ lại 2 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2021, Phan Quốc Việt gặp Bộ trưởng Long tại trụ sở Bộ Y tế. Anh ta đưa cho ông Long thêm 50.000 USD. Sau đó, Việt còn hối lộ thêm một lần nữa.
Tổng cộng, bị can Việt đã 4 lần hối lộ Nguyễn Thanh Long, tổng số 2,25 triệu USD (tương đương 51,1 tỷ đồng). Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Về bị can Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chịu cáo buộc không thực hiện đúng quy định về quản lý, khai thác kết quả nghiên cứu kit test Covid-19.
Theo kết luận điều tra, bị can Phan Quốc Việt từng nhắn tin xin hẹn ông Chu Ngọc Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nhưng không được.
Việt thông qua văn phòng, bảo vệ, gặp được ông Ngọc Anh tại trụ sở và trao đổi về công tác phòng chống dịch. Nói chuyện 15 phút, anh ta mở ba lô lấy một túi quà màu xanh có in hotline của Công ty Việt Á.
Theo Việt khai, bên trong túi có 200.000 USD cùng vài bộ khẩu trang và chai nước rửa tay khô dạng xịt do Công ty Việt Á sản xuất. Anh ta lấy các sản phẩm này ra, trao đổi về tính năng rồi lại bỏ vào trong, đưa cho vị Bộ trưởng.
Khi đó, Việt nói: "Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp".
Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nói: "Tớ cám ơn Việt" rồi đồng ý nhận chiếc túi màu xanh.
Giai đoạn điều tra, ông Ngọc Anh khai đề tài nghiên cứu test do Học viện Quân y chủ trì còn quyền sở hữu, sử dụng thuộc về Nhà nước do Bộ Khoa học Công nghệ quản lý.
Tháng 9/2020, ông Ngọc Anh được bầu Chủ tịch UBND Hà Nội và lúc này, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa bàn giao, xử lý đề tài nghiên cứu test của Công ty Việt Á và Học viện Quân y.
Do vậy, việc Công ty Việt Á đưa vào sản xuất thương mại test là vi phạm quy định, xâm hại quyền quản lý của Nhà nước. Ông Ngọc Anh cũng thừa nhận đã cầm 200.000 USD như Phan Quốc Việt khai như trên.
Trong vụ án này, bị can Chu Ngọc Anh bị xác định đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học - công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước. Theo kết luận điều tra, hành vi vi phạm của ông Chu Ngọc Anh gây thất thoát lãng phí gần 19 tỷ đồng tài sản của Nhà nước.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ngoài 2 bị can trên, Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố nhiều bị can về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”; “Nhận hối lộ”.
Cơ quan điều tra kiến nghị 2 bộ cần kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Tại kết luận, cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) và Bộ Y tế cần: "Nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của cơ quan chuyên môn". Lý do, để xảy ra vụ án có sai phạm từ 2 cơ quan này.
Bộ KHCN bị cho đã buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, trong các khâu phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm…
Nội dung thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học không đầy đủ, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KHCN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; phương pháp phối hợp giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á; phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Bộ Y tế, theo cơ quan điều tra, đơn vị đã thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý Nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời gian ban hành kết luận kiểm tra giá.
Theo kết luận, do buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát tại Bộ KHCN và Bộ Y tế nêu trên dẫn đến việc Phan Quốc Việt, Chủ tịch Công ty Việt Á lợi dụng, thông đồng, móc ngoặc với lãnh đạo, cán bộ để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài test xét nghiệm rồi sử dụng kết quả nghiên cứu đó để lập hồ sơ đăng ký, bán sản phẩm với giá cao, hưởng lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.
Tại các địa phương để xảy ra sai phạm trong quá trình Công ty Việt Á tiêu thụ test xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế, cơ quan điều tra cho rằng tại đây chưa kịp thời phân bổ dự toán ngân sách thực hiện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh…
Từ đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đưa ra 7 kiến nghị. Đầu tiên là các bộ: KHCN, Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nghiệm vụ, quản lý sinh phẩm y tế; đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng pháp luật.
Thứ hai, Bộ KHCN cần rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực KHCN để chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi cho thống nhất, đúng quy phạm pháp luật theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý việc này. Song song, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học.
Thứ ba, Bộ Y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư, sinh phẩm xét nghiệm.
Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan cần chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh…
Thứ năm, UBND các tỉnh, thành cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn về lĩnh vực này…
Thứ sáu, cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với công ty thẩm định giá có sai phạm đã kết luận trong vụ án như đình chỉ kinh doanh, tước giấy phép...
Thứ bảy, ngoài các bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ hành vi sai phạm, đường lỗi chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính quyền.