Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 7/2023 đạt 57,07 tỷ USD
Theo thông tin Tổng cục Hải quan công bố ngày 22/8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 7/2023 đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3%, tương ứng tăng 1,26 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1%, tương ứng tăng 619 triệu USD so với tháng trước; nhập khẩu là 27 tỷ USD, tăng 2,4%, tương ứng tăng 639 triệu USD.
Lũy kế trong 7 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 374,36 tỷ USD, giảm mạnh 13,8%, tương ứng giảm 60,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu là 195,42 tỷ USD, giảm 10,3%, tương ứng giảm 22,5 tỷ USD và nhập khẩu là 178,94 tỷ USD, giảm 17,4%, tương ứng giảm 37,64 tỷ USD.
Trong tháng 7/2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,07 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 7 tháng đầu năm đạt 258,05 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 41,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 142,78 tỷ USD, giảm 10,4% tương ứng giảm 16,5 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 115,28 tỷ USD, giảm 17,8% tương ứng giảm 24,94 tỷ USD so với 7 tháng/2022.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 13,8% so với cùng kỳ, với trị giá là 116,31 tỷ USD (tương ứng giảm 18,7 tỷ USD). Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 52,64 tỷ USD, giảm 10,2% tương ứng giảm gần 6 tỷ USD và nhập khẩu là 63,66 tỷ USD, giảm 16,6% tương ứng giảm 12,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam sang châu Á là 241,84 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 65% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là châu Mỹ với 76,47 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,4%, giảm 18,7%; châu Âu là 42,06 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 7,4%; châu Đại Dương với 8,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, giảm 15,2%; châu Phi với 5,02 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,3%, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1% (tương ứng tăng 619 triệu USD) so với tháng trước.
Trong đó, trị giá tăng mạnh nhất là các nhóm hàng như điện thoại các loại và linh kiện tăng 441 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 324 triệu USD, hàng dệt may tăng 208 triệu USD, cao su tăng 49 triệu USD…
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng xuất khẩu có mức trị giá trong tháng 7/2023 lại giảm như hàng rau quả giảm 258 triệu USD, cà phê giảm 69 triệu USD…
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng/2023 là 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% và có 38/45 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong 7 đầu năm đã giảm tới 22,50 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có tới 10 nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,27 tỷ USD, hàng dệt may giảm 3,24 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,57 tỷ USD, giầy dép các loại giảm 2,44 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 2,31 tỷ USD, hàng thủy sản giảm 1,7 tỷ USD, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,08 tỷ USD, xơ sợi dệt các loại giảm 645 triệu USD, sắt thép các loại giảm 635 triệu USD, sản phẩm từ chất dẻo giảm 548 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu một số nhóm hàng trong 7 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng khả quan so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, hàng rau quả tăng 1,16 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 1,09 tỷ USD, gạo tăng 625 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước.
Về trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 7/2023 đạt 27 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với tháng trước, tương ứng tăng 639 triệu USD. Tính đến hết tháng 7/2023, quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 178,94 tỷ USD, giảm đến 37,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 17,4%. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 7,8 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 4,27 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (giảm 3,5 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (giảm 2,66 tỷ USD). Tính riêng 4 nhóm hàng trên, trị giá nhập khẩu đã giảm hơn 18 tỷ USD so với 7 tháng/2022, chiếm 48% trị giá nhập khẩu giảm của cả nước.