Đất nhà máy khi di dời dùng để làm gì?

Phạm Sỹ 23/08/2023 07:07

Trước thông tin về việc 9 cơ sở sản xuất lớn trong nội đô Hà Nội sẽ được di dời, nhiều người đặt câu hỏi diện tích của những cơ sở sản xuất đó sẽ sử dụng vào mục đích gì? Thay vào đó liệu có phải là những chung cư cao tầng làm tăng thêm mật độ cư dân khu vực nội thành hay không?

Trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) nhiều chung cư mọc lên sau khi nhà máy cũ di dời.

Lo ngại cao ốc thế chỗ nhà máy

Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3952 về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1); bao gồm 9 cơ sở: Công ty In báo Nhân Dân Hà Nội; Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội Mới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Việc di dời cơ sở sản xuất để tránh ô nhiễm, tránh cản trở giao thông… là chủ trương đúng, là điều tất yếu của một đô thị phát triển như Hà Nội. Khi di dời, những nhà máy, xí nghiệp có diện tích rất lớn và đây chính là những khu đất trống cần thiết để xây dựng các công trình phù hợp, trong đó có việc hình thành các không gian công cộng.

Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 130 về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Quyết định nêu rõ, việc sử dụng quỹ đất sau di dời phải ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa di dời. Những trường hợp đã di dời hầu hết biến thành khu cao ốc… điển hình tại quận Thanh Xuân. Sau khi di dời các cơ sở công nghiệp khỏi khu vực này, những chung cư, tòa nhà văn phòng đã ùn ùn được xây lên. Từ đó nhiều lo ngại về việc liệu 9 khu “đất vàng” tới đây có rơi vào cảnh tương tự như những khu đất của nhiều nhà máy đã di dời trước đó?

Theo TS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Trãi, quỹ đất này sẽ được chuyển hóa chức năng để hòa nhập sự phát triển về mặt quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng Hà Nội là thành phố di sản. Vì vậy chúng ta hãy nhìn lại những nhà máy đã được di dời thì hiện nay quỹ đất đó đã được sử dụng ra sao? Dễ dàng nhận thấy, hầu hết những nhà máy đã di dời được thế chỗ bằng trung tâm thương mại, nhà ở…

Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long nằm trong danh sách di dời.

Xây dựng không gian công cộng

Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà máy cũ sau khi di dời cần chuyển đổi thành không gian sáng tạo, công viên, cây xanh nhằm cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị.

Ông Lê Quang Bình - điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho rằng, việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân, tạo ra cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa, là nơi ươm mầm khởi nghiệp. Và cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Còn theo ông Ngô Doãn Đức, cần phải suy tính phát triển lợi ích lâu dài nếu chúng ta cứ tập trung vào việc xây dựng nhà ở cao tầng sẽ gây ra một số vấn đề, khiến cho hạ tầng của Hà Nội bị quá tải. Cùng với đó là cần phải làm tốt công tác quản lý. Bởi lâu nay vẫn xảy ra tình trạng điều chỉnh quy hoạch. Thực tế cho thấy, Hà Nội hễ trống chỗ nào là dự án mọc lên chỗ đó…

Giới chuyên gia quy hoạch cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn đối với những gì đã diễn ra trên khu đất các nhà máy sau khi di dời trong quá khứ để có quy hoạch phù hợp. Tránh tình trạng ăn xổi mà làm mất cân đối hạ tầng để lại hậu quả cho tương lai. Vì thế phải tổ chức lựa chọn phương án quy hoạch chứ không thể giao cho một đơn vị, để không lặp lại những sai lầm như đã xảy ra.

TS Lê Phước Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sự chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành những khu nhà ở, cao ốc dễ gây quá tải hạ tầng và xóa bỏ giá trị di sản của các cơ sở đó. Nếu được cải tạo, tái thiết thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo dựa trên cấu trúc cũ sẽ tăng thêm không gian vui chơi, giải trí, làm việc cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những giá trị văn hóa, lịch sử. Những nhà máy đấy là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử, bây giờ lại được khoác lên một đời sống mới nó lại trở nên hấp dẫn, đặc biệt là giới trẻ.

Phạm Sỹ