Loay hoay đối phó với 'giun tặc'
Từ đầu năm 2023 đến nay, tại các huyện trung du và miền núi tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều đội quân “giun tặc” dùng kích điện để săn, bắt giun đất. Đặc biệt vào những tháng mùa mưa, đất ẩm ướt là điều kiện thích hợp cho các đối tượng này hoành hành.
Tại khu phố Tiến Sơn 1, Tiến Sơn 2 và Trung Chính, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), hàng ngày người dân vẫn thường thấy xuất hiện 1 nhóm khoảng từ 3 - 5 người đi cùng nhau, người cầm bao bì, kẻ đeo theo kích điện trên lưng và 2 dây điện tiếp cận các khu đồi trồng cây keo, cây lưu niên và cây ăn quả. Ban đầu, người dân nghĩ nhóm này đi đánh bắt thủy sản bằng hình thức kích điện nên không để ý. Chỉ đến khi những đối tượng lạ mặt thâm nhập vào vườn trồng cây khuất bóng người, dùng 2 cây dùi sắt, cắm sâu xuống đất và bấm công tắc điện đánh giun, người dân mới vỡ lẽ... Sau khi bị các chủ vườn truy vấn thì nhóm này nhanh chóng thu dọn đồ nghề rời đi.
Cách thức để bắt giun rất đơn giản. Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu tít tít phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2m2 các loại giun to nhỏ dần trồi lên, quằn quại, giãy giụa trên mặt đất. 2 - 3 người theo sau chỉ việc nhặt giun bỏ vào các túi nilon. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 đến 10kg giun tươi, thậm chí nhiều hơn. Tại các lò sấy thủ công, các nhân công đưa đi sấy khô; mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trung bình khoảng 13kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1kg giun khô. Mỗi kg giun khô được các chủ lò sấy bán với giá từ hơn 7 trăm nghìn tới 1 triệu đồng.
Với những người không có tiền mua kích điện thì chính đầu nậu sẽ chủ động đầu tư, mua sắm máy kích điện, thuê người đi săn giun về cung cấp cho cơ sở của mình với giá từ 25 - 32.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng/ngày. Tình trạng khai thác giun đang xuất hiện nhiều ở các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thường Xuân… Đây là các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lang Văn Hạnh – chủ một vườn cam tại xã Luận Thành, huyện Thường Xuân bức xúc: Gia đình tôi lâu nay vẫn trông chờ vào thu nhập từ hơn 1ha cam. Tuy nhiên, năm nay cả vườn cam đều bị vàng lá, ra hoa nhiều nhưng đậu quả rất ít. Chỉ đến khi vợ tôi phát hiện vườn liên tục bị một nhóm người lạ đến kích giun, tôi mới vỡ lẽ. “Phương pháp đánh giun bằng kích điện tàn phá môi trường một cách khủng khiếp. Nó không chỉ gây mất cân bằng sinh thái mà còn khiến đất chết dần không thể hồi phục sau khi giun bị tận diệt. Nếu tình trạng này không chấm dứt, người nông dân như tôi sẽ lại rơi vào cảnh nghèo đói là điều tất yếu” - ông Hạnh nói.
Giun đất có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng. Đặc biệt, giun đất tạo lỗ thông làm cho nước mưa thẩm thấu vào lòng đất, là nguồn dự trữ nước cho cây sinh trưởng, tạo nên nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu khai thác nước sinh hoạt, phát triển kinh tế cho con người.
Theo nhiều người dân: Khi dòng điện lớn được kích vào đất sẽ khiến hệ động vật và vi sinh vật, trong đó có giun chết, gây tác hại cho đất, khiến cây trồng bị hỏng rễ và vàng lá. Nguy hại là vậy nhưng khi rà lại các quy định của pháp luật thì chưa có chế tài nào đủ mạnh để xử lý nạn kích điện giun đất. Thêm vào đó, các bộ kích điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bán trôi nổi trên thị trường với giá 7-8 triệu đồng. Hiện tại, chỉ tính riêng lực lượng Công an thị trấn Thường Xuân đã thu giữ hơn 20 bộ kích điện đánh bắt giun đất trái quy định. Điều này cũng là một thách thức không nhỏ cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Công an huyện Thường Xuân cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) lại chưa có chế tài xử lý hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun. Chính vì vậy mà công an địa phương khi phát hiện chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở không tái phạm.
“Trước mắt, để đối phó với nạn “giun tặc”, chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo công an các xã, thị trấn tăng cường công tác nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các trường hợp đánh bắt, thu gom, chế biến giun đất gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến việc trồng trọt của người dân trong các khu dân cư; Phối hợp với UBND các xã, thị trấn (có tình trạng người dân đánh bắt giun đất) kiểm tra, lập biên bản đối với các trường hợp thương lái thu gom giun đất, xưởng chế biến giun trên địa bàn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng ta vẫn cần các chế chế tài mạnh mẽ, xử lý đủ sức răn đe mới có thể chấm dứt vấn nạn này”- ông Dũng cho biết.