Doanh nghiệp gỗ đón đơn hàng trở lại

THANH GIANG 23/08/2023 10:53

Xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp ngành gỗ loay hoay tìm kiếm đơn hàng bằng cách mở rộng thị trường, tăng cường quảng cáo, giảm giá sản phẩm,... hy vọng đơn hàng sẽ có lại trong những tháng cuối năm.

Ngành gỗ gặp khó vì sức mua tại nhiều thị trường sụt giảm.

Nỗ lực mở rộng thị trường

Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) TPHCM cho hay, theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất gỗ và các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do, thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn khi lạm phát và suy thoái ở các nước kéo dài, ảnh hưởng nặng đến sức mua. Các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đều giảm.

Trước khó khăn của ngành gỗ, ông Liêm cho rằng, DN phải xoay xở mở rộng thị trường xuất khẩu, thay vì chờ đợi sự phục hồi từ những thị trường truyền thống. Theo ông Liêm, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ sang rất nhiều các nước nhưng cũng cần quan tâm đến thị trường ASEAN. Bởi vì nhu cầu nhập khẩu của ASEAN trên 3 tỷ USD, nhưng hàng Việt Nam vào thị trường này không cao, chỉ 100 triệu USD. Nên cần thiết mở rộng xuất khẩu vào ASEAN.

Ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ đồ gỗ Liên Minh cho biết: Con số tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam trong 7 tháng cho thấy, hàng tháng xuất khẩu đồ gỗ chỉ đạt trên, dưới 1 tỷ USD. Trong đó, thị trường truyền thống châu Âu (EU) giảm khá nhiều. Thị trường Mỹ chiếm 50 - 60% đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam nhưng nay cũng giảm mạnh. “Sự sụt giảm ở thị trường truyền thống buộc DN trong ngành phải tìm kiếm thị trường mới như: Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...” - ông Hùng nhấn mạnh đồng thời cho rằng, Trung Đông, Ấn Độ cũng là thị trường tiềm năng để DN gỗ khai thác.

Đẩy mạnh quảng bá

Không chỉ đẩy mạnh mở rộng thị trường phi truyền thống, hiện nay ngành gỗ phải xoay xở bằng nhiều hướng khác nhau nhằm tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Ông Trần Hữu Hoài – Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên cho rằng, DN phải thực hiện chính sách giảm giá mạnh so với trước, có thể giảm 30 – 40% giá trị sản phẩm. “Có những đơn hàng chấp nhận không lãi, chỉ cần duy trì sản xuất kinh doanh. Chính sách giá này rất quan trọng. Đây là lý do giúp DN trụ vững” - ông Hoài nói và cho biết thời gian trước dịch, doanh số của công ty đạt khoảng 1,2 triệu USD/năm nhưng nay liên tục giảm mạnh hiện còn 20%. Trong đó 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU giảm rất mạnh, lên đến 80%. Hơn nữa, trước đây Gia Nhiên thường giao thương với các đối tác là những tập đoàn lớn với đơn hàng nhiều, tuy nhiên trước tình hình hiện nay đơn vị nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ. Mặc dù khá khó khăn song, đại diện Công ty TNHH Gia Nhiên cho rằng, DN có khả năng nhận đơn hàng trong thời gian tới từ 2 khách hàng mới tại Hà Lan và Ba Lan. Ngoài ra, khoảng 1 tuần trở lại đây đơn vị đón nhiều khách hàng tìm kiếm thông tin. Kết quả này là do DN bỏ ra một khoản chi phí để quảng cáo trên các nền tảng thương mại điện tử, đơn cử như Alibaba. Vị này khẳng định, hiện nhiều DN khác trong ngành gỗ đã và đang tích cực quảng bá, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng.

Nhìn nhận từ thực tế thị trường xuất khẩu cũng như những nỗ lực của DN trong ngành, ông Trần Ngọc Liêm mong muốn, quý IV sẽ có sự hồi phục mạnh hơn.

Giới chuyên gia nhận định, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ trong nửa đầu năm chỉ là tạm thời và tin rằng, ngành nội thất Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển trong 5 – 10 năm tới. Kết quả khảo sát các DN do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM thực hiện trong tháng 7 cho thấy, DN trong ngành bắt đầu đón nhận đơn hàng trở lại nhằm phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm. Nhiều DN gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm giải pháp thâm nhập trực tiếp thị trường quốc tế. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, sang tháng 6, kim ngạch của ngành này đã tăng trởn lại cao hơn 3,7% so với tháng 5. Đây là tín hiệu đáng mừng mở ra kỳ vọng hồi phục của ngành gỗ những tháng cuối năm.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại UAE cho thấy, nhập khẩu đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi các quốc gia ở khu vực này gần như không sản xuất đồ nội thất. Đây được xem là cơ hội để DN xuất khẩu đồ gỗ khai thác trong thời gian tới.

THANH GIANG