Hàng Việt thâm nhập hệ thống phân phối nước ngoài
Khi xuất khẩu gặp khó khăn, doanh nghiệp (DN) cần làm là đổi mới cách thức tiếp cận với nhà thu mua quốc tế, tranh thủ thời cơ để đưa hàng Việt lên các chuỗi siêu thị lớn.
Hàng Việt được thế giới ưa chuộng
Ông Nguyễn Đức Trọng- Trưởng phòng cấp cao - phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á, Walmart cho biết, Walmart mong muốn tìm đối tác trong 6 lĩnh vực gồm: Quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Còn theo đại diện Tập đoàn AEON tại Việt Nam, mục tiêu chính của đoàn là tìm kiếm các DN sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của AEON để trở thành đối tác cung ứng bền vững. “Quan điểm mua hàng của Aeon rất đơn giản là làm sao để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giá cả cũng là mức giá tương xứng với chất lượng của sản phẩm. Tiêu chuẩn chất lượng cũng có quy định riêng biệt dựa trên phản ánh của khách hàng về nhu cầu khi tới mua sắm. Do vậy, DN cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để tối ưu hoá quy trình và tăng cường hiệu quả sản xuất”- đại diện AEON tại Việt Nam nói.
Là một DN có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu trái cây đi các thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho rằng, khi muốn xuất khẩu hàng hóa vào một thị trường thì yếu tố tiên quyết là phải hiểu và tuân thủ luật định của nước đó. Ví dụ như thị trường Mỹ yêu cầu có mã số vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp, mã số đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá. Trong khi đó, thị trường châu Âu yêu cầu các chứng nhận GlobalGAP, SMETA, ISO, HACCP… Ông Tùng cũng đặc biệt lưu ý về vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. “Có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm, nên các DN cần lưu ý” – ông Tùng nói.
Chủ động liên kết, hợp tác
Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), nhiều DN vẫn chưa tận dụng tối đa hệ thống phân phối nước ngoài, bởi có những khó khăn nhất định trong năng lực cung ứng. Nếu các DN nhỏ và vừa muốn cung ứng hiệu quả cho các tập đoàn phân phối bán lẻ lớn thì cần liên kết với nhau. Đó cũng là lời khuyên của các nhà phân phối bán lẻ quốc tế. Liên kết với nhau để cùng sản xuất ra sản phẩm tiếp theo là liên kết với nhau để mỗi một DN là một “mắt xích” trong tổng thể chuỗi cung ứng.
Việc gia nhập vào mạng lưới phân phối quốc tế chắc chắn sẽ mang lại những “trái ngọt” cho các DN trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Thực tế hiện nay, rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh đã được tổ chức cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các DN vẫn còn thụ động trong tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá, một phần do hạn chế nguồn lực tài chính, nhân sự, nhưng phần nhiều do sản phẩm, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng.
Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, DN rất cần những giải pháp hỗ trợ đồng bộ để vừa nâng cao chất lượng nội tại, vừa có thể giao thương, kết nối với các đối tác quốc tế. Theo đó, các DN cần được hỗ trợ về thông tin thị trường, xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài, từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng đồng thời nâng cao năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới…