Nguy hại đến từ thuốc lá điện tử

Nghĩa Toàn 23/08/2023 10:58

Theo các chuyên gia, thuốc lá điện tử khi vào cơ thể sẽ gây ra vô số những ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc lá, phòng ngừa nguy cơ gây bệnh.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhập viện do thuốc lá điện tử.

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 19 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất hiện cơn đau tức ngực. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đây khoảng hơn 1 tháng, bệnh nhân có sử dụng thuốc lá điện tử. Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau ngực sau xương ức, thành cơn, mỗi cơn kéo dài 15-20 phút, trong cơn kèm khó thở, sốt không rõ nhiệt độ, ho khan mệt mỏi nhiều.

Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó được chuyển đến Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) làm xét nghiệm, chụp chiếu và được chuyển sang Trung tâm Hô hấp điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng ngoài tim và viêm phổi.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, BS Vũ Văn Hoài - Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, mới tiếp nhận, điều trị cho nữ bệnh nhân N.T.X. (27 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), vào viện vì có các hành vi bất thường, hút thuốc lá điện tử quá nhiều.

Theo lời người mẹ, X. sử dụng thuốc lá đã 8 năm nay. Ban đầu chỉ dùng thời sinh viên, khi tò mò, đi chơi cùng các bạn, dùng trộm không cho bố mẹ biết. Sau khi tốt nghiệp, đi làm, do tính chất công việc livestream thường vất vả, hay phải làm đêm, nên X. sử dụng thường xuyên hơn.

Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, sau khi chia tay bạn trai, X. cảm thấy căng thẳng nhiều hơn, nên sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên hơn. Khi không dùng, X. cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung, dễ cáu gắt, nên tiếp tục đặt ship trên mạng.

Vài tháng trở lại đây, X. hút thuốc lá điện tử liên tục cả ngày và luôn trong trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi và có nhiều hành vi bất thường, nói các câu không liên quan, giao tiếp chậm. Chính vì vậy, gia đình đưa X. nhập Viện Sức khỏe tâm thần điều trị.

“X. được xác định rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử. Trong số các bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần vì dùng thuốc lá điện tử đến đây khám, có bạn rất trẻ mới 13 tuổi” - BS Hoài thông tin thêm.

TS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thông tin: “Mới đây, Viện điều trị cho nam bệnh nhân 19 tuổi, sử dụng thuốc lá điện tử trộn tinh dầu cần sa, hút liên tục cả năm, kèm dùng thuốc lắc. Bệnh nhân này xuất hiện tình trạng bồn chồn, khó chịu, không ngủ được nên đã đến viện thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được xác định rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử, điều trị nội trú, có hiệu quả”.

TS Hà cho biết, hầu hết các chất có trong thuốc lá điện tử đều gây hại cho sức khỏe. Ví như nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần; glycerine có thể gây viêm phổi; chất tạo hương vị; chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, có nhiều chất khác chưa được kiểm duyệt thường được bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch, là nguyên nhân chính dẫn đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác. Thuốc lá điện tử là chất gây nghiện mạnh, gây nên hội chứng cai thuốc lá, rất khó điều trị.

“Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng thuốc lá điện tử vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, thực tế và khoa học lại chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn bị các đối tượng trộn ma túy và nhiều chất cấm khác, gây ngộ độc cho nhiều người sử dụng. Một tác hại khác của thuốc lá điện tử là nhiều trẻ em bắt đầu sử dụng từ sớm, dẫn đến một thế hệ lớn những người trẻ tuổi nghiện nicotine và gặp phải những hệ lụy tiềm tàng trong tương lai do dùng thuốc lá điện tử lâu dài” - TS Hà chia sẻ.

Cũng theo các bác sĩ, ảnh hưởng của thuốc lá điện tử không chỉ tác động lên sức khỏe tâm thần mà còn gây tổn thương các lớp lót bên trong của mạch máu, làm tích tụ các mảng bám trong lòng động mạch, gây ra các bệnh như tắc động mạch, động mạch vành và xơ vữa động mạch.

Các thành phần tạo nên hỗn hợp lỏng của thuốc lá điện tử khi được nung nóng sẽ biến thành các chất độc hại, có thể thấm vào máu và làm viêm mạch máu, làm tăng tốc độ quá trình ô xy hóa.

Ngoài ra, các loại hóa chất độc hại trong thuốc lá điện tử khi xâm nhập vào phổi sẽ làm cản trở quá trình lưu thông ô xy, tăng viêm, làm rò rỉ mạch máu, nghiêm trọng hơn là gây tích tụ dịch ở phổi.

Hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài và liên tục có thể gây ra các triệu chứng như ho đờm kéo dài, đau tức ngực, khó thở khi vận động, sốt nhẹ kéo dài, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân. Những dấu hiệu này rất có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi, suy hô hấp.

Nghĩa Toàn