Quốc tế

Nguyên nhân vụ cháy rừng kinh hoàng ở Hawaii

Hà Anh 23/08/2023 11:00

Trận cháy rừng biến thị trấn Lahaina - nơi từng là viên ngọc quý của bang Hawaii (Mỹ) - thành đống đổ nát. Đó là trận cháy rừng kinh hoàng nhất nước Mỹ trong hơn 100 năm qua.

Những đợt gió bất thường

Trong những ngày trước khi trận cháy rừng bắt đầu vào ngày 8/8, nhiệt độ ở Lahaina luôn ở mức 30 độ C- mức trung bình vào thời điểm này trong năm. Nhưng nó khô hơn bình thường.

Theo Cơ quan Giám sát Hạn hán của Mỹ, phía Đông Nam Maui đã phải chịu đựng một đợt hạn hán từ trung bình đến nghiêm trọng suốt mùa hè. Tiểu bang thường dựa vào mô hình khí hậu La Nina để mang đến những cơn mưa dịu mát trong mùa đông. Nhưng hiện tượng La Nina kéo dài 3 năm kết thúc vào năm 2022 đã không mang lại nhiều mưa như dự kiến.

Nhà khí hậu học Abby Frazier tại Đại học Clark ở Massachusetts - người đã dành hơn 10 năm làm việc ở Hawaii - cho biết: “Những đợt La Nina gần đây khô hạn hơn rất nhiều so với dự đoán của chúng tôi, vì chúng tôi đã chứng kiến những đợt hạn hán kéo dài nhiều năm trở nên nghiêm trọng hơn”.

Và giữa khung cảnh khô cằn này, gió đã thổi đến. Theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia, từ ngày 7 - 9/8, gió giật mạnh với vận tốc 108km một giờ ở quận Maui. Những cơn gió dữ dội làm bật gốc cây và khiến biển động.

Lúc đầu, một số nhà khí tượng học đổ lỗi cho Dora - cơn bão cấp 4 đang hoạt động cách Honolulu khoảng 1.100km về phía Nam - đã gây ra những cơn gió dữ dội. Tuy nhiên, nhà khí tượng học John Bravender làm việc tại Honolulu cho biết, phân tích của ông cho thấy, bão Dora có vẻ đóng một vai trò rất nhỏ trong vụ hỏa hoạn.

“Dora, mặc dù là một cơn bão lớn, nhưng có trường gió rất nhỏ và nó ở rất xa bang Hawaii. Tuy nhiên, nó đã khiến không khí ấm xung quanh cơn bão rơi xuống thấp hơn trong bầu khí quyển, gần mặt đất hơn” - ông Bravender, người làm việc với Trung tâm Bão Thái Bình Dương của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) cho biết.

Đồng thời, một hệ thống áp suất cao ở phía Bắc Hawaii đã tạo ra một cơn gió thịnh hành theo hướng Đông-Đông Bắc có tên là Moa’e hoặc A’eloa quét xuống và băng qua phía khuất gió của Maui.

Khi gió di chuyển xuống các sườn dốc đến độ cao thấp hơn, không khí đi xuống bị nén lại khiến nó nóng lên. Ở chân núi - cách thị trấn khoảng 2km - gió gặp cỏ khô và đất khô, thay vì cây bụi bản địa và rừng khô vốn từng mọc thành đám cây nhiệt đới, dương xỉ, rêu và địa y trước khi được thay thế bằng các đồn điền đường trong thế kỷ 19 và 20. Những cơn gió khô hanh đã làm những ngọn cỏ khô hạn mất đi chút hơi ẩm cuối cùng còn sót lại.

Thực vật xâm lấn

Trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm ấm bầu khí quyển của hành tinh, thì các vụ cháy rừng như ở Canada trong tháng này đã trở nên tồi tệ hơn ở các khu rừng phía Bắc và vĩ độ trung bình trên toàn thế giới.

Nhưng nhiệt độ ấm hơn không phải là yếu tố thúc đẩy cháy rừng ở Maui - nơi chỉ thấy “một tín hiệu nhỏ của biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các loại cỏ xâm lấn là yếu tố lớn nhất gây ra ngọn lửa này” - nhà khí hậu học Frazier khẳng định.

Khi các nhà truyền giáo người Mỹ đến Lahaina vào đầu thế kỷ 19, họ đã biến đổi vùng nhiệt đới này bằng cách xây dựng trên các vùng đất ngập nước và ao cá Hawaii. Trong thời gian này, cháy rừng ít xảy ra hơn và nếu xảy ra thường do sét đánh hoặc dung nham và tro phun ra từ hoạt động của núi lửa.

Vào giữa những năm 1800, mía – loại cây được những người di cư Polynesia đầu tiên mang đến quần đảo - đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Lahaina. Công ty đường đầu tiên của thị trấn - Pioneer Mill - đã biến rừng khô và vùng cây bụi bản địa xung quanh Lahaina thành đồn điền. Đến những năm 1930, các đồn điền mía đường đã bao phủ hơn 100.000ha của Hawaii. Tuy nhiên, thị trường lao động rẻ hơn ở Ấn Độ, Nam Mỹ và Caribe trong những thập kỷ tiếp theo đã khiến hầu hết các công ty đường ở Hawaii kết thúc sản xuất vào những năm 1990, từ đó các vùng đất trồng trọt phần lớn bị bỏ hoang.

Nhưng khu rừng tươi tốt và vùng cây bụi bản địa đã không trở lại. Các loại đất đã mất đi nhiều giá trị dinh dưỡng và bị xói mòn. Nhà khoa học về hỏa hoạn Thomas Smith tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho biết: “Một khi bạn làm xáo trộn một hệ sinh thái và thay thế nó bằng các đồn điền, nó sẽ không trở lại trạng thái cũ”.

Và thế là cỏ châu Phi chiếm ưu thế tại Hawaii khi được đưa đến quần đảo để làm đồng cỏ cho gia súc. Theo các nhà khoa học, ngày nay, hơn 90% diện tích rừng khô bản địa của Hawaii đã biến mất và các loại cỏ không phải bản địa bao phủ khoảng 1/4 diện tích của bang.

Theo nhóm Pacific Fire Exchange - một dự án thông tin liên lạc về hỏa hoạn do Đại học Hawaii dẫn đầu, việc mở rộng đồng cỏ châu Phi trong thế kỷ qua đã trùng hợp với sự gia tăng khoảng 400% các vụ cháy rừng.

Nhà thực vật học Mike Opgenorth - Giám đốc Khu bảo tồn và Vườn Kahanu của Vườn Bách thảo Nhiệt đới Quốc gia ở Maui - cho biết: “Một hệ thống rừng được thiết lập tốt có thể làm đệm cho những thời điểm thời tiết khô hạn và gió lớn, với những khúc gỗ chết và lá rừng vẫn giữ được nhiều độ ẩm hơn những nhiên liệu mịn hơn như cỏ. Những cơn gió mạnh cũng có thể di chuyển nhanh hơn trên đồng cỏ so với khi đi qua một khu rừng, nơi chúng va chạm với cây cối”.

Các nhà điều tra vẫn chưa xác định được nguyên nhân ban đầu gây ra vụ hỏa hoạn ở Lahaina vào ngày 8/8, nhưng các nhà khoa học thì đã khá rõ ràng về việc làm thế nào ngọn lửa có thể lan nhanh như vậy qua đồng cỏ, xuyên qua các tòa nhà bằng gỗ có từ thời đồn điền và đến bến cảng chỉ trong vài giờ .

Theo số liệu mới nhất, đến nay trận cháy rừng lịch sử tại Hawaii (Mỹ) đã khiến ít nhất 114 người tử vong, 850 người còn đang mất tích, ít nhất 11.000 người phải di dời, hơn 2.200 tòa nhà bị phá hủy và tổng tài sản thiệt hai ước tính 5,5 tỷ USD.

Hà Anh