Dự án đường 5.300 tỷ nối các tỉnh miền núi phía Bắc sau gần 2 năm thi công giờ thế nào? Lê Khánh• 23/08/2023 11:04 Sau gần 2 năm thi công, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đã triển khai đồng loạt thi công tại 11 gói thầu. Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.Quy mô của dự án gồm 2 tuyến, gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD.Ông Vũ ngọc Khoa, chuyên viên phòng điều hành dự án 5, Ban QLDA 2 phụ trách gói thầu số 6, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc cho hay, dự án gồm 11 gói thầu hiện nay đã được triển khai đồng loạt. Riêng trên địa bàn tỉnh lai châu sẽ gồm 5 gói thầu (4,5,6,7,8). Đây là một dự án rất quan trọng đối với tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái."Trong quá trình triển khai dự án nguồn vật liệu, bãi đổ thải đã cơ bản được giải quyết. Về tiến độ giải phóng mặt bằng , hiện gói 4 đã giải phóng mặt bằng được 85%, gói 5 đạt 88%, gói 8 đạt 97%, hiện gói 6 đạt 40% và gói 7 đạt được 10%", ông Khoa cho hay."Khó khăn tại dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng và công tác đảm bảo giao thông trong quá trình vừa khai thác, vừa nâng cấp mở rộng", ông Khoa chia sẻ.Đảm nhiệm gói thầu được coi là khó khăn nhất trong 11 gói thầu, ông Võ Văn Trường, chỉ huy trưởng gói thầu số 4 chia sẻ, đây là một trong những gói thầu đi qua địa hình đồi núi, dốc trong khi vừa thi công vừa khai thác nên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi bắt đầu từ mùa mưa trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa rất lớn, vì vậy trên công trường gói thầu 4 cũng xuất hiện các điểm sạt lở do thời gian mưa lớn kéo dài. Vì vậy, tromg quá trình thi công nhà thầu vừa dọn dẹp các điểm sạt lở để cho người dân đi lại, vừa thi công các hạng mục khác."Hiện đơn vị thi công đang triển khai các hạng mục phá đá nổ mìn cũng như đào mở rộng nền đường trên đỉnh đèo. Đến thời điểm hiện tại nhà thầu cũng đã huy động nhiều máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công vừa đảm bảo công tác an toàn giao thông", ông Trường cho hay.Theo ông Trường, phương án thi công, nhà thầu sẽ làm dứt điểm từng vị trí và hoàn thiện các vị trí mở rộng để người dân di chuyển thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị, máy móc để khi thi công có thể ngay lập tức vận chuyển được các lớp đất đá thải đến các điểm tập kết sẽ không gây cản trở giao thông.Dự án đang được triển khai rầm rộ, trên công trường trải đều các tuyến nhiều máy móc, ô tô vận tải chở đất đá rầm rộ đến các bãi đổ thải.Một số điểm bị sạt lở được nhà thẩu để biển cảnh báo.Nhiều đoạn mở rộng tại dự án đã được lu lèn đất.Dự án có tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD.Trước đó, vào tháng 2/2023 Bộ GTVT trình Thủ tướng đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất tăng tổng vốn đầu tư dự án từ 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.046 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 707 tỷ đồng).Bộ GTVT lý giải, dự án phải điều chỉnh tăng vốn do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng. Cụ thể, thời điểm phê duyệt dự án vào năm 2018, chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến gần 312 tỷ đồng, nhưng thực tế triển khai chi phí tăng lên hơn 1.020 tỷ đồng.Phần vốn tăng thêm cho chi phí mặt bằng kể trên từ nguồn đối ứng của Việt Nam, Bộ GTVT dự kiến sử dụng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng giao. Lê Khánh