Quốc tế

Ngăn chặn nội dung xấu độc

Mai Phương 24/08/2023 07:28

Trước Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật (DSA) số do Liên minh châu Âu (EU) ban hành, Google, Facebook, TikTok và các công ty công nghệ lớn khác đã bắt đầu triển khai những cách mới để nhanh chóng thích ứng, ngăn chặn những nội dung xấu độc có thể đến với người dùng.

Danh sách dài các nền tảng

Giai đoạn đầu tiên của các quy tắc kỹ thuật số mới mang tính đột phá của EU sẽ có hiệu lực trong tuần này. DSA là một phần của bộ quy định tập trung vào công nghệ do khối 27 quốc gia xây dựng - từ lâu đã dẫn đầu toàn cầu trong việc trấn áp những gã khổng lồ công nghệ.

DSA được thiết kế để giữ an toàn cho người dùng trực tuyến và ngăn chặn việc truyền bá nội dung có hại bất hợp pháp hoặc vi phạm điều khoản dịch vụ của nền tảng. Nó cũng nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của người châu Âu như quyền riêng tư và tự do ngôn luận.

Một số nền tảng trực tuyến có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ USD nếu không tuân thủ, đã bắt đầu thực hiện các thay đổi. Cho đến nay có tổng cộng 18 nền tảng bị ảnh hưởng, chúng bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội: Facebook, TikTok, Twitter, YouTube, Instagram, LinkedIn, Pinterest và Snapchat... Danh sách của EU dựa trên số lượng người dùng từ chính các nền tảng. Những nền tảng có 45 triệu người dùng trở lên (hoặc 10% dân số EU) sẽ phải đối mặt với quy định ở mức cao nhất của DSA.

Tuy nhiên, danh sách trên không phải là cuối cùng và các nền tảng khác có thể sẽ được thêm vào sau này. Và cuối cùng, bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người châu Âu đều sẽ phải tuân thủ DSA. Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với ít nghĩa vụ hơn so với các nền tảng lớn và có 6 tháng nữa trước khi họ bị đưa vào quy tắc.

Các quan chức EU đưa ra cảnh báo đối với các công ty công nghệ rằng, những vi phạm có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu của họ – có thể lên tới hàng tỷ USD – hoặc thậm chí là lệnh cấm từ EU.

DSA quan tâm nhiều hơn đến việc liệu các công ty công nghệ có áp dụng các quy trình phù hợp để giảm thiểu tác hại mà hệ thống đề xuất dựa trên thuật toán của họ có thể gây ra cho người dùng hay không. Về cơ bản, họ sẽ phải để Ủy ban châu Âu (EC) xem xét kỹ lưỡng về các thuật toán của họ hoạt động như thế nào.

Bà Sally Broughton Micova - Phó Giáo sư về chính sách truyền thông tại Đại học East Anglia - cho biết: “Các quan chức EU một mặt lo ngại về hành vi của người dùng, như bắt nạt và phát tán nội dung bất hợp pháp, nhưng họ cũng lo ngại về cách các nền tảng hoạt động và cách chúng góp phần tạo ra những tác động tiêu cực”.

Theo quy định, các nền tảng lớn nhất sẽ phải xác định và đánh giá các rủi ro hệ thống tiềm ẩn cũng như liệu họ có đang làm đủ để giảm thiểu chúng hay không. Những đánh giá rủi ro này sẽ đến hạn vào cuối tháng 8 và sau đó chúng sẽ được kiểm toán độc lập. Các cuộc kiểm toán dự kiến sẽ là công cụ chính để xác minh sự tuân thủ.

Những chuyển động đầu tiên

Các nền tảng đã bắt đầu triển khai những cách mới để người dùng châu Âu có thể đánh dấu nội dung bất hợp pháp và các sản phẩm tinh ranh, những thứ mà các công ty sẽ có nghĩa vụ gỡ xuống một cách nhanh chóng và khách quan.

Amazon đã mở một kênh mới để báo cáo các sản phẩm bị nghi ngờ là bất hợp pháp và đang cung cấp thêm thông tin về người bán bên thứ ba.

TikTok đã cung cấp cho người dùng “tùy chọn báo cáo bổ sung” đối với những nội dung (bao gồm cả quảng cáo) mà họ cho là bất hợp pháp. Các danh mục như ngôn từ kích động thù địch và quấy rối, tự tử và tự làm hại bản thân, thông tin sai lệch hoặc gian lận và lừa đảo sẽ giúp họ xác định chính xác vấn đề.

Sau đó, một “nhóm người kiểm duyệt và chuyên gia pháp lý chuyên dụng mới” sẽ xác định xem nội dung bị gắn cờ có vi phạm chính sách của họ hay là bất hợp pháp hay không và có nên gỡ xuống hay không.

TikTok cho biết, lý do gỡ xuống sẽ được giải thích cho người đã đăng tài liệu và người đã gắn cờ nội dung đó và các quyết định có thể bị khiếu nại.

Người dùng TikTok có thể tắt các hệ thống đề xuất video dựa trên những gì người dùng đã xem trước đó. Những hệ thống như vậy đã bị đổ lỗi cho việc dẫn người dùng mạng xã hội đến những bài đăng ngày càng cực đoan. Nếu các đề xuất được cá nhân hóa bị tắt, thay vào đó, nguồn cấp dữ liệu của TikTok sẽ đề xuất video cho người dùng châu Âu dựa trên nội dung phổ biến trong khu vực của họ và trên toàn thế giới.

DSA cũng cấm nhắm mục tiêu đến các nhóm người dễ bị tổn thương bằng quảng cáo. Snapchat cho biết, các nhà quảng cáo sẽ không thể sử dụng các công cụ cá nhân hóa và tối ưu hóa cho thanh thiếu niên ở EU và Vương quốc Anh. Người dùng Snapchat từ 18 tuổi trở lên cũng sẽ có được sự minh bạch và quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các quảng cáo mà họ nhìn thấy.

TikTok đã thực hiện những thay đổi tương tự, ngăn người dùng từ 13 đến 17 tuổi nhận quảng cáo được cá nhân hóa dựa trên hoạt động của họ trên hoặc ngoài TikTok.

Mai Phương