'Trả lương 120 triệu đồng/tháng chưa phải là cao'

H.Vũ (thực hiện) 24/08/2023 06:52

Thông tin TP Hồ Chí Minh có thể trả lương đến 120 triệu đồng/tháng với chức danh lãnh đạo làm khoa học đang nhận được nhiều ý kiến. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, mức lương 120 triệu đồng/tháng chưa phải là cao đối với người tài.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

PV: Thưa ông, trước thông tin TPHCM có thể trả lương đến 120 triệu đồng/tháng với chức danh lãnh đạo làm khoa học, quan điểm của ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trước kia TPHCM đã từng có thí điểm về vấn đề này, đã trả trên 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên sau thí điểm thì dừng lại, trở về mức lương cũ, rất nhiều người tài lại ra đi. Bây giờ lại đề nghị tiếp tục làm. Hiện nay TPHCM đã có cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép, trong đó cho phép có thể trả lương cho cán bộ công chức không cao quá 1,8 lần so với mức lương hiện nay. Như vậy là cao gần gấp 2 so với các địa phương khác rồi. Còn đối với người tài thì có cơ chế trả lương 120 triệu đồng/tháng để thu hút.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đặc biệt trong các ngành khoa học và công nghệ. Qua đó góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bây giờ sẽ làm chính sách để thực hiện chiến lược đó. Cho nên TPHCM đặt ra mức đó không phải là lớn. Vì nếu thấp quá sẽ không thu hút được người tài.

Nhưng thu hút bằng lương chỉ là một vấn đề, còn nhiều yếu tố khác nữa, thưa ông?

- Đúng vậy. Thu nhập là vấn đề rất quan trọng nhưng không phải là duy nhất bởi còn nhiều vấn đề khác nữa. Do đó đưa ra mức bao nhiêu thì cần tính toán và cân đối. Nhưng quan trọng phải thực sự là người tài về đảm đương nhiều công trình, sáng kiến để giúp cho TPHCM phát triển.

Bên cạnh đó, ngoài vấn đề tiền lương còn đi kèm với vấn đề môi trường làm việc, điều kiện làm việc, văn hoá tổ chức, văn hoá công sở và khả năng thăng tiến của họ. Ví dụ là nhà khoa học thì phải có phòng thí nghiệm. Các đề tài nghiên cứu mà không có phòng thí nghiệm, các điều kiện đảm bảo khác thì họ không thể phát huy được.

Nếu nhà khoa học có sáng kiến đem lại lợi ích cho TPHCM hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì mức lương 120 triệu đồng/tháng không phải là lớn so với kết quả họ làm ra. Nếu họ tài và mình thực sự tạo điều kiện cho họ để họ sáng tạo, có những công trình đóng góp lớn trong quản lý, khoa học công nghệ thì mức đó là xứng đáng.

Có ý kiến đặt ra trả lương cao cho nhà khoa học nên dựa vào đóng góp thực tế chứ không nên dựa vào bằng cấp. Ý kiến của ông?

- Điều đó là đúng. Tôi nói ví dụ nếu sinh viên chỉ tốt nghiệp xuất sắc, loại giỏi ở các trường trong và ngoài nước thì chưa phải là người tài. Tốt nghiệp loại giỏi chỉ là điều kiện “cần”. Nhưng vấn đề quan trọng bản thân sinh viên đó trong quá trình học tập phải có công trình nghiên cứu khoa học và đạt được giải ở các cuộc thi trong nước và thế giới. Tức là phải có sản phẩm ứng dụng.

Tương tự, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cũng phải có công trình nghiên cứu. Đặc biệt là các công trình mang tính ứng dụng. Công trình khoa học công nghệ phải được ứng dụng trong thực tiễn. Bởi học vị cũng chỉ là nghiên cứu đề tài xong bảo vệ đề tài thì có học vị. Còn học hàm giáo sư, phó giáo sư phải trải qua quá trình nghiên cứu giảng dạy, viết sách nữa. Do đó tôi muốn nhấn mạnh, quan trọng là người đó phải có công trình nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế. Đó mới là nhân tài và cần thu hút để trọng dụng và tạo điều kiện cho họ. Chứ không nên dựa vào bằng cấp hay học hàm, học vị. Vì có nhiều người có bằng tiến sĩ nhưng chỉ là “tiến sĩ giấy”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Dự thảo “Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ”, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đề xuất người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP thành lập hưởng lương từ 60-120 triệu đồng/người/tháng. Cấp phó của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ 50-100 triệu đồng/người/tháng. Trưởng các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ 40-80 triệu đồng/người/tháng. Phó các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ 30-60 triệu đồng/người/tháng. Sau khi lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ trình UBND TPHCM xem xét để trình HĐND TP trong kỳ họp vào tháng 9 tới.

H.Vũ (thực hiện)