Gánh nặng của vương miện
Việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu, người đẹp đã tạo một bức tranh nhan sắc nhiều mảng màu sáng - tối. Ở đó bên cạnh việc tôn vinh cũng có không ít câu chuyện dở khóc, dở cười và những hoài nghi về chất lượng của danh hiệu hoa hậu.
Loạn danh hiệu
Chỉ trong năm 2022 đã có gần 30 cuộc thi được tổ chức và tính đến tháng 8/2023, con số này đã tăng lên chóng mặt với vô số danh xưng người đẹp. Nếu không tính các cuộc thi “chui”, chỉ tính sơ bộ trong gần 2 năm Việt Nam qua đã có gần 100 tân hoa hậu, á hậu. Ngoài các “sân chơi” nhan sắc lâu đời như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam… là sự ra đời của hàng loạt các cuộc thi mới như Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu, Hoa hậu quý bà Việt Nam toàn cầu…
Thế nhưng điều đáng buồn là số lượng tân hoa hậu, á hậu tăng lên nhưng lại không song hành với chất lượng, với vô số những lùm xùm, tranh cãi. Cuộc thi Miss Peace Vietnam 2022 của công ty Minh Khang dính lùm xùm về tên gọi với Miss Grand Vietnam 2022 của công ty Sen Vàng khi cả hai bên đều sử dụng tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Hay cuộc thi Hoa hậu quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 với việc Á hậu 3 cuộc thi - Đặng Thị Hương tố cáo ban tổ chức mua bán giải. Vụ việc top 38 Hoa hậu thế giới Việt Nam 2022 mặc hở hang diễu hành, nhảy múa trên xe buýt vào tháng 7/2022 tại Quy Nhơn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì hình ảnh phản cảm. Phần “hô” tên tại bán kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 cũng gây phản cảm, trở thành chủ đề tranh luận trên mạng xã hội. Ngoài ra, đơn vị tổ chức Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022 cũng bị phạt 70 triệu đồng và đình chỉ các hoạt động thi người đẹp, người mẫu 9 tháng do người mẫu Hà Anh mặc áo dài gây phản cảm tại đêm chung kết…
“Chất lượng” các tân hoa hậu, á hậu ở một số cuộc thi cũng đang là chủ đề “nóng” trong suốt thời gian qua. Mới đây là trường hợp tân Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đến từ Bình Định. Chỉ sau khi đăng quang gần 2 tuần, Ý Nhi đã có group anti với hơn nửa triệu thành viên cùng hàng loạt yêu cầu tước vương miện. Những phát ngôn vạ miệng của Ý Nhi vô tình còn trở thành “trend” để dân mạng chế diễu trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Tiếp sau Ý Nhi, Á hậu 1 của cuộc thi Đào Thị Hiền cũng nối gót khi phát ngôn gây tranh cãi.
Vàng thau lẫn lộn
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên các cuộc thi về nhan sắc vướng phải những tranh cãi. Thế nhưng với việc “nới lỏng”, phân cấp cho các địa phương trong việc cấp phép thì thực trạng này dường như ngày càng rối ren, với vô số những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Như việc chỉ sau một đêm Việt Nam đã có thêm 2 tân hoa hậu với 2 đêm chung kết cùng được tổ chức cùng ngày là Hoa hậu biển đảo Việt Nam 2022 và Hoa hậu hoàn cầu Việt Nam 2022.
Không phủ nhận giá trị mà các cuộc thi hoa hậu mang lại, khi những cái tên như H’Hen Niê, Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Phương Khánh… khi được xướng danh trên các đấu trường nhan sắc quốc tế. Trước đó khi nhắc đến hoa hậu là khán giả sẽ nhớ tên những người đẹp ấn tượng về cả nhan sắc và trí tuệ như Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Nguyễn Thị Huyền, Ngọc Hân… Thế nhưng, sự “bùng nổ” các cuộc thi sắc đẹp hiện nay đang gây ra vô số những mặt trái. Việc danh sách các hoa hậu ngày càng dài ra khiến công chúng bối rối và khó lòng nhớ được đâu là chủ nhân vương miện của cuộc thi nào. Điều đáng nói, thay vì sự tôn vinh thì trên các diễn đàn, mạng xã hội tràn các bình luận phản ứng về chất lượng các cuộc thi.
Cũng chính vì có quá nhiều cuộc thi dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn thí sinh chất lượng. Không còn quá khắt khe, một số đơn vị tổ chức dần mở rộng tiêu chuẩn, chấp nhận thí sinh có giải phẫu thẩm mỹ, thí sinh đã lập gia đình như cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu áo dài Việt Nam… Cá biệt có những thí sinh đủ tiêu chuẩn còn “chạy sô”, tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly, việc phân cấp thực hiện thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là hoàn toàn phù hợp. Từ việc không hạn chế dẫn tới lạm phát các cuộc thi nhan sắc, thì Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL đã nêu rõ vai trò người “gác cổng”, là đơn vị cấp giấy chứng nhận bản quyền cần phải kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ và cẩn trọng nhằm ngăn chặn những tồn đọng không đáng có.
Quyền Cục trưởng cũng cho biết thêm, ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương là “điểm nóng” của các cuộc thi. Thông qua công tác kiểm tra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên là bởi chưa có sự liên kết thông tin, phối hợp quản lý giữa các địa phương. Đặc biệt, có hiện tượng dễ dãi trong công tác thẩm định hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính, cấp văn bản chấp thuận nhiều cuộc thi cho một cá nhân, doanh nghiệp. “Các địa phương cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn cấp thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn” - bà Ly bày tỏ.
Thời gian qua các cuộc thi hoa hậu đã rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” về chất lượng, quy mô tổ chức và uy tín. Điều này đang vô tình tiếp tay cho nhiều cô gái trẻ ảo tưởng về danh vọng, sự nổi tiếng nhanh chóng, mà quên đi sứ mệnh cũng như giá trị nhân văn mà danh hiệu hoa hậu cần thể hiện cho cộng đồng, xã hội.