Hà Nội: Xe đạp công cộng chính thức đi vào hoạt động
Sáng 24/8, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã tổ chức buổi khai trương đưa xe đạp công cộng chính thức đi vào hoạt động.
Trong 7 ngày đã có 16.452 tài khoản mở mới
Ngày 24/8, UBND Thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan chính thức đưa vào hoạt động dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng trên địa bàn Thành Phố Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ khai trương, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết, hoạt động này ra đời với mục tiêu thực hiện Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
"Đây là hoạt động phát triển xe đạp điện, xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hoá để hỗ trợ, kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng cũng như đa dạng hoá các phương thức giao thông đô thị khu vực trung tâm thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch của Thành phố.
Trong 7 ngày qua, các khách hàng TNGo tại Hà Nội đã đạp tổng quãng đường 46.894km, đã có 16.452 tài khoản mở mới, so với việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, việc đạp xe với quãng đường kể trên giúp giảm hơn 2.844 kg khí thải CO2 ra môi trường, tương đương với khả năng hấp thụ của hơn 135 cây xanh", ông Dân nhấn mạnh.
Việc đưa vào hoạt động chính thức xe đạp điện, xe đạp công cộng được triển khai thực hiện giai đoạn đầu tại 79 điểm trạm, với 1.000 phương tiện xe trong đó 500 xe đạp điện và 500 xe đạp công cộng được bố trí trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch đảm bảo cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.
Theo ông Đỗ Bá Dân các địa điểm được chọn làm trạm xe đạp đều có thể dễ dàng kết nối giao thông công cộng, xe buýt, tàu điện. Đặc biệt, tại những nơi có trường học, khu vui chơi, các khu du lịch, tham quan thắng cảnh và nơi đông dân cư để người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng.
Trong quá trình vận hành, Trí Nam sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện trước khi nhập lô xe điện gồm 400 chiếc tiếp theo về. Để sử dụng xe đạp cơ bình thường, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền 5.000 đồng cho thời gian 30 phút. Đối với xe đạp điện, chi phí sẽ ở mức 10.000 đồng/30 phút.
Căn cứ vào thực tế, Trí Nam sẽ đánh giá tỷ lệ lựa chọn, sử dụng và tiếp tục có phương án điều chỉnh loại hình phương tiện phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Xây dựng Thủ đô xanh - văn minh - hiện đại
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, sự kiện hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho người dân Thành phố Hà Nội như giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, ông Quyền chúc mừng Công ty Cổ phần tập đoàn Trí Nam đã đưa ra phương tiện công cộng mới, bền vững và thân thiện với môi trường cho Thành phố Hà Nội.
Theo ông Quyền, Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế và khoa học kỹ thuật của cả nước, luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong những năm qua, Thành phố đã không ngừng đầu tư, cải tiến hạ tầng giao thông, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải.
"Việc chuyển đổi sử dụng phương tiện năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết giảm phát thải nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26. Giải pháp sử dụng xe đạp, xe đạp trợ lực điện, xe đạp điện sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Thành phố.
Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện", ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, dịch vụ được ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng, vì vậy bước đầu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân, được cơ quan truyền thông, báo, đài đưa tin và đón nhận nhiều phản hồi tích cực.
Thành phố Hà Nội hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Công ty cổ phần tập đoàn Trí Nam trong việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị. Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai dịch vụ xe đạp đô thị nói riêng và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch nói chung.
Ông Quyền tin tưởng rằng, với sự nỗ lực hưởng ứng và đồng hành của toàn xã hội, dịch vụ xe đạp đô thị sẽ ngày càng phát triển, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho sự tiến bộ và hiện đại của Thành phố Hà Nội trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Trong thời gian thí điểm 1 năm đề nghị Công ty Trí Nam theo dõi, lắng nghe phản hồi của người dân, du khách, nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ; trên cơ sở đó tổng hợp kết quả triển khai sau thời gian thí điểm.
UBND TP giao Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo theo đúng quy định.