Kiểm soát thị trường gạo
Giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng kéo theo giá gạo trong nước liên tục tăng. Đứng trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ngăn chặn hiện tượng thu mua, gom lúa gạo để đầu cơ, trục lợi, đẩy giá tăng bất hợp lý là cần thiết để bình ổn thị trường.
Tăng cường quản lý thị trường
Giá thóc gạo trong nước trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023. Chỉ tính 2 loại thóc luôn có giá rẻ nhất là IR50404 và OM 5451 cũng đã lên cao ngất ngưởng. Nếu như trước đây, giá thóc IR50404 và OM 5451 thường chỉ dao động từ 4.500 đồng – 4.800 đồng/kg, thì đến 31/7 giá thóc IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg. Trong tháng 8/2023, giá thóc tiếp tục tăng mạnh.
Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty Dương Vũ Rice cho biết, tại thời điểm này, giá lúa và giá gạo nguyên liệu trong nước rất cao, nếu thu mua để ký hợp đồng mới với giá xuất khẩu hiện nay, sẽ không có lãi. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp (DN) không dám ký hợp đồng mới.
Trước diễn biến khó lường của thị trường gạo, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu giai đoạn hiện nay. Nhờ sự vào cuộc mạnh của Bộ Công thương mà những ngày qua, giá gạo bán ở thị trường nội địa đã không tăng quá cao. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ tăng giá trục lợi. Tại nhiều địa phương, cơ quan quản lý thị trường đã tăng cường kiểm soát và xử lý không ít trường hợp đầu cơ, găm hàng.
Tại tỉnh Bến Tre, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Bến Tre) đã khảo sát, tiến hành kiểm tra tại 6 hộ kinh doanh gạo trên địa bàn huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm, phát hiện vi phạm và tạm giữ trên 75 tấn gạo. Trong đó có 10 tấn gạo không có nhãn hàng hóa (không có nhãn gốc) và trên 65 tấn gạo có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tương tự tại Kiên Giang, ngày 17/8, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Kiên Giang) đã tiến hành rà soát, giám sát 8 cơ sở kinh doanh mặt hàng gạo trên địa bàn TP Hà Tiên; đồng thời các hộ này đã ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt cam kết niêm yết giá.
Nỗ lực bình ổn giá
Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến 15/8, nước ta đã xuất khẩu khoảng 5,2 triệu tấn gạo. Đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đề ra mục tiêu năm 2023 xuất khẩu 7,1 triệu tấn (bằng kết quả năm 2022). Tuy nhiên, với những diễn biến rất thuận lợi, Bộ NNPTNT đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 7,5-7,8 triệu tấn. Cùng với việc tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu theo các chuyên gia kinh tế, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, việc kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến sẽ góp phần kiểm soát CPI, không gây ảnh hưởng và xáo trộn đời sống người dân.
TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, gạo là mặt hàng chiến lược gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Chính vì vậy, đối với cung ứng nội địa, việc đảm bảo an ninh lương thực cần hiểu đúng theo hai nghĩa: Đảm bảo có đủ và đảm bảo tiếp cận được.
“Đảm bảo có đủ, tức phải đảm bảo nguồn cung cho người dân, dự trữ ổn định. Việc này cần tính toán kỹ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường, xét đến bối cảnh khó đoán định thời gian tới. Đảm bảo tiếp cận được tức là người dân phải mua được gạo với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Thành phân tích.
Liên quan tới những diễn biến của thị trường gạo thế giới và trong nước những ngày gần đây, Bộ Công thương đã liên tục có những chỉ thị, giải pháp giữ ổn định thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng găm hàng, sốt giá. Theo đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Trước những diễn biến ở cả thị trường xuất khẩu và trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Việc bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này cần sự hợp tác giữa các bộ, ngành; giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội; giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương để báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực trong nước.